Văn nghệ sĩ mong nhận được sự hỗ trợ đầu ra cho tác phẩm nghệ thuật
Nhiều nghệ sĩ ở các lĩnh vực sân khấu và âm nhạc bày tỏ tình hình khó khăn và mong được các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm hỗ trợ cho đầu ra của tác phẩm.
Cuộc vận động sáng tác tác phẩm âm nhạc và sân khấu do TPHCM tổ chức, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật thực hiện, nhân kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2020) và chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước với chủ đề "Mãi mãi một tình yêu".
Theo báo cáo từ Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM, sau hơn 5 tháng phát động, cuộc vận động đã thu hút sự tham gia của nhiều văn nghệ sĩ trên cả nước với trên 100 tác phẩm. Lễ công bố và trao giải cho chương trình dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10/2020.
Ban tổ chức lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từ văn nghệ sĩ thành phố. |
Trong giai đoạn tiếp theo, ban tổ chức mong muốn thu nhận nhiều hơn tác phẩm dự thi về đề tài thiếu nhi, về nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là những sáng tác đề cập đến chủ đề ngợi ca những tấm gương hy sinh của các y bác sĩ, các chiến sĩ công an, bộ đội… trong cuộc chống dịch Covid-19 vừa qua.
Khan hiếm tác phẩm hay, trăn trở đầu ra
Trong buổi họp báo ngày 10/6, bên cạnh việc đánh giá, sơ kết giai đoạn đầu cuộc vận động, các cấp quản lý, nghệ sĩ có mặt bày tỏ những băn khoăn, trăn trở về thực trạng nền nghệ thuật thành phố hiện nay. Đa số ý kiến bày tỏ quan ngại về vấn đề chất lượng và “đầu ra” của tác phẩm.
Ở lĩnh vực sân khấu, các nghệ sĩ, soạn giả, chủ sân khấu biểu diễn bày tỏ những vướng mắc đang gặp phải, đồng thời kỳ vọng sự quan tâm thấu đáo, đúng mực của bộ phận quản lý dành cho từng cá nhân, đơn vị.
NSƯT Trịnh Kim Chi bày tỏ băn khoăn: "Sân khấu chúng tôi hiện vẫn cố gắng đi tìm những kịch bản về đề tài truyền thống, chiến tranh, cách mạng để dàn dựng. Nhưng rất ít tác giả viết đề tài này vì họ lo ngại không biết ai sẽ thực hiện, rồi người thực hiện lại cũng đắn đo khi giải quyết bài toán vé bán và có khán giả hay không. Đến hiện tại, các vở diễn hầu hết đều do tôi tự chủ động bỏ tiền túi thực hiện...”.
Soạn giả Hoàng Song Việt – tác giả nhiều vở diễn ở các sân khấu phía Nam nhận định các nghệ sĩ, sân khấu hiện nay đang trong tình trạng rất loay hoay về vấn đề tiếp nhận, dàn dựng và biểu diễn tác phẩm. Theo ông, sân khấu thị trường và sân khấu truyền thống là cuộc chiến không cân sức. Trong đó, việc các tác phẩm đoạt giải thưởng lớn nhưng “ế khách” vì không phù hợp thị hiếu là điều rất dễ nhận thấy. “Sân khấu cải lương nói thằng ra ít ai dám đứng ra dàn dựng tác phẩm đề tài cách mạng nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước, vì chắc chắn không thể bán vé”, ông bày tỏ.
Đồng tình quan điểm trên, soạn giả Vương Huyền Cơ đề xuất giải pháp nên cần có sự cởi mở, “mềm hóa” từ thành phần giám khảo để từ đó chấp nhận các tác phẩm với nhiều quan điểm, tư tưởng khác nhau. Thay vì chỉ tập trung ngợi ca lịch sử, ban tổ chức cần đẩy mạnh các chủ đề mang tính khái quát, thời sự, chạm đến yếu tố gai góc, nóng hổi và mang tính dự báo tương lai.
Ca sĩ trẻ ít tiếp cận với các ca khúc chủ đề xã hội
Đại diện lứa tác giả trẻ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết anh hay nhiều nhạc sĩ đồng trang lứa khác bên cạnh các ca khúc về tình yêu vẫn có những sáng tác về quê hương, đất nước. Nam nhạc sĩ chỉ ra bất cập về tình hình sáng tác hiện nay khi ca khúc chủ đề xã hội không có tính thương mại cao. Theo nhạc sĩ “Nhật ký của mẹ”, cũng chính điều này dẫn đến việc các ca sĩ trẻ chỉ tập trung vào các ca khúc tình yêu, trào lưu nóng mà bỏ qua những đề tài xã hội, quê hương.
Trong khi đó, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh mong mỏi Nhà nước, các cấp quản lý văn hóa thành phố nên có biện pháp thiết thực hỗ trợ phổ biến tác phẩm đến gần hơn với khán giả. "Những tác phẩm chúng ta cho là hay, thẩm mỹ cao nhưng không có khán giả cũng vô nghĩa. Âm nhạc hiện đang mất cân đối vì mảng giải trí quá nhiều, còn giáo dục thẩm mỹ rất ít", anh nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy đại diện ban tổ chức giải đáp những thắc mắc, trăn trở từ văn nghệ sĩ và đại biểu có mặt. |
NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, nhìn nhận thực trạng khan hiếm tác phẩm mang tính thời sự là điều cần phải nỗ lực giải quyết hiện nay. Vì thế, bà hy vọng cuộc vận động là một trong những sân chơi nghệ thuật tạo điều kiện cho các tác giả đóng góp trí tuệ, sức sáng tạo của mình cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật nói chung.
“Sau khi kết thúc, chúng tôi sẽ lên kế hoạch quảng bá, xây dựng hoàn thiện các tác phẩm đoạt giải. Trách nhiệm của BTC là sẽ lan tỏa những giá trị về nghệ thuật và tư tưởng cho những sáng tác đến với công chúng. Qua đó, chúng ta có nguồn tư liệu nghệ thuật, giúp các đơn vị sân khấu có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển", bà Thúy nhấn mạnh.
Thúy Ngọc
Hào hứng sáng tác tranh cổ động phòng chống dịch Covid-19
Sau một thời gian ngắn kỷ lục, đã có 103 tranh cổ động về phòng, chống dịch Covid-19 của 23 họa sĩ gửi về Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL hưởng ứng cuộc vận động sáng tác.
Post a Comment