Chuyện với con trai Cụ Lê Khả Phiêu: Vợ con người lính
Thứ Ba, ngày 18/08/2020 08:10 AM (GMT+7)
Nhà 36 Lý Nam Đế, tư gia nguyên Tổng Bí thư (TBT) Lê Khả Phiêu, suốt từ chiều thứ bảy 15/8 cứ lặng lẽ dòng người nối nhau đến viếng. Gặp người quen, họ bộc bạch, mấy bữa trước không có điều kiện đến Nhà tang lễ quốc gia. Đợi… Rồi tôi cũng lựa được dịp để ngồi với con trai cụ Lê Khả Phiêu.
Anh tên là Diễn. Lê Minh Diễn, người hôm ở Nhà tang lễ quốc gia trong lời đáp từ chỉ giành hơn 6 phút để vĩnh biệt người cha Lê Khả Phiêu. Tiếng lòng ấy của anh đã nhận được nhiều sự đồng cảm.
Lâu rồi mới gặp lại. Hơi xọm và có vẻ già so với tuổi 57. Anh đưa tôi vào một phòng nhỏ chào cụ bà. Mẹ anh vừa dùng bữa. Anh nói mấy hôm rồi, bữa nay cụ mới cố được lưng bát cơm. Phu nhân Cụ Phiêu nhận ra tôi hơi khó khăn. Tuổi 86 nhiều bệnh. Sức xuống nhiều. Hôm tang lễ, mấy lần cụ bà phải ngồi ghế.
Đã vời vợi lăng lắc một thời thương khó. Bom đạn mù trời. Cái chết luôn lởn vởn, gần kề. Nhưng thời ấy, lạ thay lòng người yên tĩnh?
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với những điển hình tiên tiến
Mùa mưa năm 1967, cô giáo Bích dạy Trường cấp 1 Thịnh Liệt huyện Thanh Trì dong cái xe đạp lặc lè những gạo mậu dịch và rau muống cùng mắm muối từ Giáp Bát để tiếp tế cho mẹ chồng cùng ba đứa con sơ tán tít ở mạn chiêm trũng Bình Lục Hà Nam. Cô giáo chùi bàn tay lấm lem vào vạt áo, ngoái lại gian nhà tập thể mà đêm qua trận bão rớt làm tốc đám giấy dầu lợp mái. Về sáng, cô giáo không biết kêu ai vì cả khu vắng tanh vắng ngắt… Không có thang, cô giáo lẩy bẩy chồng lên mấy cái ghế khấp khểnh cố chồng xếp và dọi lại.
Chòi chọi đạp từ tinh mơ đến vàng mặt giời mới tới được nơi sơ tán. Cô hoảng hốt đỡ bà mẹ chồng hơn 60 tuổi đang lẩy bẩy chui ra từ chiếc hầm chữ A. Trận mưa hồi đêm ngập lưng hầm nước. Anh cu Diễn khi ấy mới 4 tuổi đang đeo lấy vai bà nội. Cô bé Hồng, chị cu Diễn, thường cố cứng cỏi để mẹ yên lòng, nhưng giờ thấy mẹ bưng mặt, òa khóc. Cũng may có bà con xóm giềng nơi sơ tán rồi các sự khó khác cũng vợi đi nhiều.
Nếu có câu hỏi nào đó thì cũng chả dám ai vuột ra khi ấy. Rằng bố lũ trẻ đâu? Nếu được trả lời cho chính xác thì người bố và là người con trai của bà đang ở Mặt trận Trị Thiên. Đó là Lê Khả Phiêu, Chính ủy Trung đoàn 9.
Đận năm 1972 thì căng lắm. Như con thoi, cô giáo Bích lại phải chèo chẹo đạp xe về nơi sơ tán Mai Lĩnh để thăm nom tiếp tế cho 4 bà cháu. Vệt bom B52 quét mạn Giáp Bát, Hoàng Mai khiến khu tập thể giáo viên trường cấp I ở làng Tám tan hoang. May mà nhiều giáo viên trong đó có cô giáo thoát chết. Lại cũng phải gắng gượng dong cái xe đạp lúc lỉu gạo, mắm về mạn Mai Lĩnh để bà cháu có cái ăn. Và phải mượn người để cùng đắp bồi lại căn hầm cho mấy bà cháu.
Cậu bé Diễn khi ấy đã lơn lớn. Nên bây giờ anh vẫn nhớ và nhắc lại rành rọt nhiều chuyện mà người nghe có cảm giác hồi hộp như hụt hơi. Chuyện cậu em út tên là Khánh nay đã là đại tá quân đội. Chuyện sinh em Khánh thì mẹ và bà nội kể lại. Mẹ đến ngày sinh em vẫn phải quày quả tất tả việc ăn ở của mấy bà cháu nơi sơ tán. Đau bụng quá, mẹ vứt xe đạp bệt bên vệ đường. May có người đi qua. Mẹ được dong gấp đến trạm xá xã.
Vợ con người lính Lê Khả Phiêu. Ba mặt con. Chưa lần nào vợ sinh mà chồng có mặt. Nhưng lại có quyền đặt tên cho con qua thư từ hiếm hoi hoặc nhắn người thân tạt qua Hà Nội.
Chợt nhớ thời điểm sau 11 tiếng đồng hồ đầu năm 2001, ông Lê Khả Phiêu nghỉ chức Tổng Bí thư, mấy anh em viết có ghé nhà ông ở Lý Nam Đế.
Cuộc gặp chủ nhân và gia đình hôm ấy chẳng nhuốm vẻ này khác như tôi tưởng? Nhất là đoạn cuối khi thấy đám khách quen cứ vòng vo muốn biết “cảm tưởng’’ của bà nhà khi ông nhà vừa thôi chức?
Chị trưởng, phải, chính cái cô bé Hồng đen nhẻm nhưng đã sớm biết tảo tần bao việc đỡ mẹ nơi sơ tán năm xưa đã thẳng tuột thế này “Bố em được nghỉ, người mừng nhất là mẹ em đấy!”. Bà mẹ nghe vậy, cười nhẹ nhàng “Thỉnh thoảng có ghé qua nơi này nơi khác ngó qua cái ti-vi, anh biết tôi ngại điều gì nhất không? Khi dân người ta chưa phiền bực thì cũng phải lo dần đi là vừa... Chao ơi, anh biết không, liền bao năm rồi, đêm nào cũng như tối nào, ngày nào cũng như hôm nào cứ năm giờ sáng đã ngồi vào bàn nếu không họp hành thì cũng viết lách ghi ghi chép chép hoặc lại cầm lấy điện thoại. Mười hai giờ đêm, một giờ, hoặc hơn mới đi nằm thì đến xương đồng da sắt cũng mọt nữa là...”.
Chị cả Hồng đưa tôi ra tới tận cổng “Hồi bố em mới nhậm chức, câu mà mẹ em nói bây giờ nghiệm thấy càng đúng là: Bố có việc của bố... Mỗi đứa chúng mày phải đi bằng cái chân của mình, cấm tiệt việc mang ơn ai mắc oán ai. Còn bố mày khi nào về nghỉ mà còn khoẻ mạnh, mà chẳng phải vướng vào vụ việc gì thì nhà mình mới gọi là gặp may’’.
Tôi quay sang “Vậy bây giờ đã tới thời điểm gặp may được chưa?" Cô con gái cưng của ông nhoẻn cười “Chưa, mong sao nữa càng cuối đời ông già còn khỏe để còn bế nhiều cháu nữa chứ...’’.
…Tôi có hỏi Diễn cái đoạn đáp từ hôm vĩnh biệt bố ở Nhà tang lễ, rằng anh có đưa ai coi trước hoặc có duyệt chi không?
Người con trai cả Cụ Phiêu chưa trả lời ngay… Tôi chợt thoáng chút thấy mình như có thất thố chi đó? Và cả chút hơi hoảng vì chợt nhận ra, anh không được khỏe? Đang phải đeo trong mình cái teen trợ tim. Thời khắc liệm bố, người nhà cố ngăn Diễn chầm chậm hẵng có mặt.
Chất giọng rủ rỉ của anh đưa tôi đến khúc nhôi của một ngày năm 2007. Chỉ có hai bố con, anh ngập ngừng nhưng rồi cũng nói ra được rằng anh vừa gửi đơn xin nghỉ việc nhà nước ra làm ngoài. Bố anh lặng lẽ nghe. Và đã rủ rỉ sau một hồi lặng lẽ. Đại ý, con làm ở đâu làm gì cũng được, miễn là thấy mình đang là người có ích cho xã hội và gia đình.
Diễn thở phào. Khi ấy anh mới đem lá đơn xin nghỉ việc đã viết ra ký. Nhưng tổ chức bảo thay cái tiêu đề là đơn xin chuyển công tác!
(Còn nữa)
Nguồn: https://ift.tt/3j2IWGL...Nguồn: https://ift.tt/2DSKELT
Trong hai ngày Quốc tang (14/8 và 15/8/2020), các công sở, nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
Post a Comment