'Nhà hát online' trên thế giới có gì đặc biệt? - TIN TỨC

Header Ads

'Nhà hát online' trên thế giới có gì đặc biệt?

Không có khán giả, các nhà hát và dàn nhạc danh tiếng vốn trước đây kín lịch quanh năm hay phải đặt trước vé nhiều tháng tìm đến khán giả bằng cách trình diễn trực tuyến miễn phí.

'Nhà hát online' trên thế giới có gì đặc biệt?
Các vở ballet ở nhà hát Bolshoi trước đây luôn nêm chặt khán giả với giá vé ngất ngưởng.

Điều chưa từng có trong lịch sử nhà hát nổi tiếng nhất thế giới

Tháng 3 vừa rồi, những tín đồ của ballet chia sẻ rầm rầm thông tin Nhà hát Bolshoi sẽ trình chiếu 6 vở ballet kinh điển thuộc bộ sưu tập vàng của Bolshoi như: Hồ thiên nga, Công chúa ngủ trong rừng, Cô dâu của Sa hoàng, Marco Spada, Boris Godunov, Kẹp hạt dẻ trên Youtube từ 27/3-10/4. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử tồn tại của Nhà hát Bolshoi ở Moscow, Nga kể từ khi mở cửa năm 1856 đến nay.

Trước đó, việc có được tấm vé vào xem vở ballet kinh điển ở nhà hát Bolshoi thực sự chỉ có trong mơ của nhiều người. Sự bùng phát của dịch Covid 19 khiến nhà hát lừng danh này phải đóng cửa, các buổi diễn phải hủy. Tuy nhiên các nghệ sĩ vẫn phải tập luyện cật lực để ghi hình các buổi diễn phục vụ nhà hát online.

Lần đầu tiên trong lịch sử Nhà hát Bolshoi được số hóa. Tổng giám đốc Vladmir Urin nói trong thông cáo báo chí đăng tải trên trang web của nhà hát: "Nước Nga, cũng như cả thế giới đang trải qua thời khắc khó khăn. Chúng ta chưa bao giờ phải đối mặt với tình huống tương tự trước đây. Chúng tôi phải đóng cửa nhà hát nhưng không hề muốn đánh mất kết nối với khán giả. Sân khấu là một trải nghiệm sâu sắc và xúc động. Khi không thể biểu diễn trực tiếp trước khán giả, chúng tôi muốn chia sẻ thông qua số hóa".

Sau khi công chiếu, video các vở ballet này còn tồn tại trên kênh Youtube trong vòng 24 tiếng để những khán giả tiện xem lại trước khi nó bị rút xuống. Tất cả các vở diễn đều được ghi hình từ trước nhưng khi thưởng thức livestream, người hâm mộ vẫn phấn khích và háo hức như đang được dự công chiếu ngoài đời thực. 

2292 chậu cây xanh thay khán giả

'Nhà hát online' trên thế giới có gì đặc biệt?
 4 nghệ sĩ biểu diễn cho cây xanh. 

Xu hướng biểu diễn trực tuyến cũng bùng nổ trên khắp châu Âu. Cùng với Nga, hồi tháng 3 vừa qua, Dàn nhạc giao hưởng tại Rotterdam (Hà Lan) cũng quyết định biểu diễn trực tuyến. Thay vì tập trung biểu diễn tại nhà hát, toàn bộ nhạc công của dàn nhạc đều tự biểu diễn với nhạc cụ của mình tại nhà riêng để đảm bảo giãn cách xã hội trong tình hình dịch bệnh căng thẳng. Các bản ghi âm riêng lẻ của 17 nhạc công tại nhà riêng sau đó đã được kết nối trực tuyến trên mạng xã hội để tạo ra một bản giao hưởng thú vị, thu hút hơn nửa triệu người theo dõi cùng lúc.

Cùng thời điểm tháng 3/2020, Dàn nhạc giao hưởng danh tiếng của Đức Berlin Philharmonic cũng như các nhà hát trên khắp nước Đức quyết định tổ chức các buổi hòa nhạc online để tiếp cận với khán giả. Trong khi đó, Nhà hát Gran Teatre del Liceu ở Barcelona (Tây Ban Nha) quyết định vẫn sáng đèn trở lại sau thời 3 tháng đóng cửa vì Covid-19 vào ngày 12/6 vừa qua.

Trên sân khấu, 4 nghệ sĩ say sưa biểu diễn bản Crisantemi của nhà soạn nhạc tài năng Puccini dù không có khán giả. BTC đã có ý tưởng đặt 2292 chậu cây xanh thay thế cho người nghe trên 2292 ghế ngồi trong nhà hát. Người ta còn bố trí cả thảm đỏ từ ngoài vào trong nhà hát để chào mừng sự kiện đặc biệt này. Buổi diễn được phát trực tiếp trên trang chủ của nhà hát và thu hút rất nhiều lượt xem. 

Không đứng ngoài xu hướng chung, gánh xiếc nổi tiếng nhất thế giới Cirque du Soleil hồi tháng 4 cũng quyết định đưa lên mạng hàng loạt show diễn thành công khắp toàn cầu.

"Để giữ kết nối với người hâm mộ, 'gánh xiếc mặt trời' quyết định cung cấp cổng giải trí chất lượng cao để khán giả có thể thưởng thức các buổi diễn chất lượng tại nhà và cũng là để giữ mình an toàn nhằm đánh bại Covid-19", thông cáo của Cirque du Soleil viết.

Hàng loạt các chương trình kéo dài 60 phút đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người hâm mộ và với hàng triệu khán giả trên thế giới, đây là lần đầu tiên họ được thưởng thức chương trình xiếc đỉnh cao như vậy của Cirque du Soleil.

'Nhà hát online' trên thế giới có gì đặc biệt?
Một buổi diễn của Cirque du Soleil.

Những buổi diễn online triệu view

Các tín đồ của âm nhạc thế giới hẳn không thể quên buổi trình diễn xúc động của danh ca mù Andrea Bocelli từ nhà thờ Duomo ở Milan, Italy vào đúng đêm Phục sinh 12/4. Hàng triệu khán giả trên khắp thế giới đã được thưởng thức trực tiếp màn trình diễn tuyệt vời mang tên Amazing Grace của giọng opera hàng đầu thế giới này. Andrea Bocelli đã mang đến cho hàng ngàn khán giả những giây phút chìm trong âm nhạc và cảm xúc qua các ca khúc đình đám: Sancta Maria, Domine Deus, Panis Angelicu, Ave MariaAmazing Grace.

Buổi trình diễn không khán giả tại thánh đường ở Ý của danh ca mù Andrea Bocelli thu hút hơn 3 triệu người xem trực tiếp và đã cán mốc 23 triệu view sau 12 giờ lên Youtube. Nếu như không quyết định phát trực tuyến có lẽ việc có được chừng đó khán giả xem Andrea Bocelli tại một trong những tâm dịch của thế giới là điều không thể.

'Nhà hát online' trên thế giới có gì đặc biệt?
'One World: Together At Home' là buổi livestream âm nhạc lớn nhất lịch sử. 

19/4 ghi vào lịch sử âm nhạc thế giới với sự kiện âm nhạc trực tuyếnOne World: Together At Home kéo dài suốt 8 tiếng đồng hồ với sự góp mặt của hầu hết các ngôi sao ca nhạc đình đám nhất thế giới như Adam Lambert, Alanis Morissett, Alicia Keys, Andrea Bocelli, Billie Eilish, Billie Joe Armstrong, Celine Dion, Chris Martin, Elton John, Jennifer Lopez, John Legend, Keith Urban, Lang Lang, Paul McCartney, Pharrell Williams, The Rolling Stones, Sam Smith, Shawn Mendes, Stevie Wonder, Taylor Swift, Usher, Lady Gaga... cùng nhiều màn kết hợp có một không hai. Buổi nhạc trực tuyến thu hút lượng lớn khán giả trên toàn thế giới xem trực tiếp và gây quỹ được 127,9 triệu USD.

Mặc dù tất cả các buổi hòa nhạc online đều được đăng tải miễn phí và phi lợi nhuận nhưng tất cả các nghệ sĩ vẫn rất hào hứng tham gia. Điều quan trọng hơn là họ vẫn được biểu diễn, được kết nối với khán giả. Và với nhiều người, dù trải nghiệm trực tiếp tại nhà hát đáng giá hơn nhiều khi được thưởng thức các buổi hòa nhạc hay biểu diễn sống động hơn nhưng dù sao được tiếp cận với các buổi diễn đỉnh cao miễn phí từ nhà một cách an toàn vẫn là vô giá trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay. Đây chắc chắn là hình thức mà các nhà hát ở Việt Nam có thể tham khảo.  

'Nhà hát online' trên thế giới có gì đặc biệt?
 Nhạc sỹ Huy Tuấn
"Nhà hát online mới trở thành một xu hướng thực sự sau khi đại dịch Covid xảy ra. Tôi cho rằng đây là một hình thức tiếp cận khán giả một cách hiệu quả, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể xem được một vở ballet trứ danh, một buổi hoà nhạc tại các nhà hát nổi tiếng trên thế giới, nếu không phải chúng ta đang có một công nghệ truyền dẫn qua internet như ngày nay.

Nó thực sự trở thành một cầu nối không biên giới giữa nghệ sĩ và khán giả của mình trên toàn cầu. Các bạn học của tôi thời tôi du học ở Đức giờ ở các nước khác cũng có thể xem tôi trình diễn qua các chương trình Music Home, mặc dù chương trình này chúng tôi đã khởi động từ trước khi có đại dịch một năm, nhưng phải nói rằng đây chính là một diễn đàn mới để các nghệ sĩ trình diễn trực tiếp cho khán giả của mình, với một số lượng người xem lớn hơn rất nhiều so với những buổi trình diễn trong nhà hát.

Bản thân tôi cũng là người trả tiền để xem các buổi trình diễn online của Nhà hát giao hưởng Berliner Philharmonie, nơi mà tôi hồi còn ở bên Đức có nằm mơ cũng không có đủ tiền để mua vé vào xem. Hình thức trả tiền cũng khá đơn giản, các bạn chỉ cần đăng tạo tài khoản và trả tiền bằng thẻ tín dụng của mình. Đây chỉ là một ví dụ nho nhỏ để các bạn có thể hiểu được rằng một xu hướng thưởng thức âm nhạc sẽ rất phổ biến trong thời gian tới.

Tôi ủng hộ hình thức "Nhà hát online" ở Việt Nam với điều kiện chúng ta phải tổ chức được một chất lượng âm thanh đảm bảo. Hơn nữa chúng ta cũng nên làm quen dần cách thưởng thức này bằng cách đăng ký và trả tiền để các nghệ sĩ có thu nhập và tiếp tục sáng tạo. Hầu hết các show diễn hiện nay nếu miễn phí sẽ là những hoạt động từ thiện xã hội, hoặc là những show diễn mang tính chất quảng bá chất lượng cho các nhà hát, điển hình là các vở ballet của nhà hát Bolshoi Nga, các vở nhạc kịch nổi tiếng của các nhà hát West End London vừa qua nhưng nó chỉ được mở trong một thời gian nhất định, còn sau đó là họ khoá lại. 

Và tất nhiên với tư cách của một nhạc công, một nghệ sĩ tôi vẫn muốn trình diễn trong các nhà hát đầy ắp khán giả, song song với việc tình diễn phục vụ các khán giả ở những nơi xa qua hình thức online" -  Nhạc sỹ Huy Tuấn chia sẻ quan điểm với VietNamNet.

Buổi hòa nhạc cho khán giả đặc biệt tại Tây Ban Nha: 

Bài 3: Giới nghệ sĩ nói gì về 'Nhà hát online"?

Mỹ Anh - S.Hà 

Có giáo dục trực tuyến, sao lại không thể có Nhà hát online?

Có giáo dục trực tuyến, sao lại không thể có Nhà hát online?

Thời đại 4.0, chúng ta có giáo dục trực tuyến, các cuộc họp hội thảo trực tuyến vậy nghệ thuật trực tuyến - Nhà hát online liệu có làm được?

Bài viết 'Nhà hát online' trên thế giới có gì đặc biệt? được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này

No comments

Powered by Blogger.