'Nhìn vào tiền cát xê thì khán giả đang nuôi nghệ sĩ chứ gì nữa!'
Bạc bẽo vốn là quy luật muôn đời - mối quan hệ giữa khán giả và nghệ sĩ không là ngoại lệ.
Mấy ngày qua, mạng xã hội tranh luận sôi nổi mối quan hệ giữa nghệ sĩ với khán giả, trong đó, tâm bão là vấn đề khán giả có nuôi nghệ sĩ hay không? Có ý kiến cho rằng: “Có, khán giả đang nuôi nghệ sĩ”, cùng với đó là luận giải thuyết phục.
Một tờ báo điện tử cho biết, top 9 ca sĩ có cát-xê khủng nhất Việt Nam, show diễn thường có giá từ vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng, lẽ tất nhiên, những ca sĩ này, bên cạnh tài năng là lao động nghệ thuật miệt mài. Khán giả muốn xem họ biểu diễn phải bỏ tiền ra để mua vé – góp nên cát-xê khủng - khoan hãy phân tích các khía cạnh khác, chỉ nhìn vào phần nổi của tảng băng (tiền cát-xê) thì khán giả nuôi nghệ sĩ chứ gì nữa!
Bố Già của Trấn Thành đạt 400 tỷ đồng doanh thu, bán được 5,3 triệu vé (tính đến chiều 5/4). Khán giả vun trồng không ạ?
Nhóm ý kiến phản đối, khán giả không nuôi nghệ sĩ, đây chỉ là trao đổi dựa trên sức lao động của đôi bên. Theo nhóm này, chẳng ai nuôi ai ở đây cả! Có người còn đưa ra ví dụ “con không cần làm gì hết, cha mẹ vẫn nuôi, lo ăn, lo học, cấp dưỡng mọi thứ”. Cũng theo người này, “chỉ khi nghệ sĩ không làm gì cả, nói chung, chỉ ngậm miệng ăn tiền thì đó mới gọi là nuôi”. Nhóm ý kiến này dường như không thừa nhận “nuôi” theo cách dân gian thường dùng.
Bên kia dốc cuộc đời, khi dần bỏ lại khán giả phía sau, việc nhấn mạnh mối quan hệ có đi, có lại âu cũng là phát biểu của “lão phật gia”. Với giới trẻ quyết khởi nghiệp theo đường ca hát, đóng phim chắc là không dám chia sẻ thế đâu!
Một luồng ý kiến khác cho rằng, dùng từ “nuôi” chưa hợp lý. Mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả cần được nhìn nhận trong tình thương, tác dụng tương hỗ. Thời công nghệ số, sức mạnh của khán giả, sự đồng tình của khán giả là nguồn lực quan trọng đối với nghệ sĩ. “Nuôi” được nâng lên một giá trị tựa triết lý. Trong cơn lốc thị trường, nghệ sĩ và khán giả, họ nghĩ - nói - làm trong không ít trường hợp có mâu thuẫn với nhau. Có nghệ sĩ tiếng tăm, thời gian qua, dùng hình ảnh của mình để quảng cáo những sản phẩm “dỏm”, họ sổ toẹt khán giả mất rồi! Còn khán giả, sau giờ vãn hán, ai nhớ, ai quên những nghệ sĩ chỉ mới đây thôi làm tim mình thổn thức? Bạc bẽo vốn là quy luật muôn đời - mối quan hệ giữa khán giả và nghệ sĩ không là ngoại lệ.
Cũng cần nói đến, với người Á Đông, ai nuôi ai thường được ví von như tranh thủy mặc.
Mỹ Tâm với khán giả. Ảnh có tính chất minh họa. |
Nhân đây, tôi có mấy ý kiến.
1. Tôi đề xuất 3 tiên đề về mối quan hệ giữa khán giả và nghệ sĩ. Tiên đề trong Toán học là một mệnh đề luôn luôn đúng, không cần chứng minh.
Tiên đề 1: Khán giả có nuôi nghệ sĩ.
Tiên đề 2: Nghệ sĩ góp thêm chất liệu để con người hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ. Khán giả phải trân trọng nghệ sĩ, nghệ sĩ có nuôi khán giả.
Tiên đề 3: Nghệ sĩ coi việc phục vụ khán giả là đạo đức nghề nghiệp, là thước đo cống hiến cho nghệ thuật, là hạnh phúc cuộc sống. Khán giả là nguồn cảm xúc dạt dào để nghệ sĩ sáng tạo.
2.Trong gia đình, từ xưa đến nay luôn thấm đậm: “Cha mẹ nuôi con bể hồ lai láng”. Sự khôn lớn, tính hiếu thảo, thành đạt trên đường trần - hạnh phúc, tự hào của cha mẹ.
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có thông báo, trong thời gian học sinh, sinh viên, học viên ngừng học để phòng tránh dịch bệnh do Covid-19, nếu các đơn vị không triển khai học trực tuyến thì không thực hiện thu học phí, chỉ thu học phí khi tổ chức dạy học trực tuyến hoặc bố trí học bù. Một phần học phí được dùng để trả thù lao cho thầy cô đứng lớp. Thầy cô tồn tại là nhờ học trò của mình. Tư duy đó, giúp thầy cô biết mình tồn tại vì điều gì và từ đó giảng dạy với trách nhiệm, sự tận tụy cao nhất.
Trong đa dạng các mối quan hệ xã hội, luôn đặt ra câu hỏi, vì sao ta có? Vì sao họ được? Nếu trả lời một cách đầy đủ sẽ thấy ta đang “nuôi” và chính ta cũng đang được “nuôi”.
3. Cuộc tranh luận “khán giả có nuôi nghệ sĩ hay không?” giúp cả hai bên cùng nhìn lại, cùng thay đổi theo hướng tốt đẹp.
Là nghệ sĩ ai cũng mong được thành đạt trên con đường nghệ thuật và có cuộc sống viên mãn, và, để có được điều đó là chuỗi ngày trui rèn toàn diện bản thân. Tuy nhiên, cơ hội mang đến thành công thì không chia đều cho các nghệ sĩ. Thôi thì, dẫu trên sân khấu hoành tráng hay “ta về ta tắm ao ta”, nghệ sĩ hãy gìn giữ hình ảnh, sống tử tế trong sự trân trọng của khán giả.
Được vậy, dù ở đỉnh cao hay lúc sa cơ thất thế, nghệ sĩ luôn vui sống trong vòng tay của người hâm mộ.
Khán giả hãy là người thấu cảm với nghệ sĩ. Biết nâng niu những đóng góp của họ, càng không được a dua ném đá khi nghệ sĩ chưa tròn vai diễn trên sân khấu và cả ở đời thường. Khán giả là điểm tựa để nghệ sĩ bay cao, bay xa mà đích đến là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
TS. Nguyễn Hoàng Chương
Bỏ ngay tư duy khán giả nuôi nghệ sĩ đi!
VietNamNet ghi nhận ý kiến của những người làm nghệ thuật lâu năm xung quanh câu chuyện "khán giả nuôi nghệ sĩ" gây ồn ào những ngày qua.
Post a Comment