Nhà văn Nguyễn Hiếu "tri ân" quê hương trong hội làng Chèm - TIN TỨC

Header Ads

Nhà văn Nguyễn Hiếu "tri ân" quê hương trong hội làng Chèm

Quầy sách của nhà văn Nguyễn Hiếu ở hội làng Chèm. Video: Thủy Vũ Các tác phẩm ở "Quầy sách của nhà văn Nguyễn Hiếu" ở hội làng Chèm  Sáng ngày 12/6, tại Đình Chèm thuộc làng Chèm, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, trong không khí rộn rã của ngày hội làng, người dân bỗng chú ý tới quầy sách được tổ chức bởi nhà văn Nguyễn Hiếu – một người con của làng Chèm.  Ông là tác giả của nhiều  cuốn sách nhận được yêu  mến như "Trên mặt đất lại có người", "Người đàn ông không lấy vợ", "Vầng trăng hững hờ", hay "Chuyện tình người điên"... Chân dung nhà văn Nguyễn Hiếu. Ảnh: Thủy Vũ Chia sẻ về ý tưởng mở ra quầy sách, nhà văn từng đoạt rất nhiều giải thưởng cho hay: "Ý tưởng này thực ra không rõ ràng lắm mà nó dường như nằm trong tâm thức của một người đã sống quá nửa cuộc đời, nhất là những người viết văn chuyên nghiệp như tôi.  Bỗng nhiên tôi nhận ra tất cả những gì trong nghiệp văn chương của mình đều bắt đầu từ những cảm xúc, những kỷ niệm, những gắn bó và cả những thăng trầm đối với quê hương. Nhà văn Nguyễn Hiếu giao lưu cùng độc giả tới mua sách. Ảnh: Thủy Vũ Không phải ngẫu nhiên trong 30 tiểu thuyết, 10 tập truyện ngắn, gần trăm kịch bản sân khấu và điện ảnh con người và phong cảnh làng Chèm - mà trong văn chương tôi gọi là làng Chiện, đều in dấu khá rõ và ở không ít tác phẩm trở thành môi trường sống chủ yếu của các nhân vật.  Chính vì ý nghĩ đó nên nhân dịp hội làng Chèm, tôi nghĩ việc có quầy sách trưng bày các tác phẩm viết về quê hương là một sự tri ân đối với ngôi làng yêu thương đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, cung cấp chất liệu cho những tác phẩm văn chương của mình". Có mặt tại quầy sách và cũng là người tri kỷ lâu năm của nhà văn Nguyễn Hiếu, NSƯT Lê Chức bày tỏ cảm xúc: "Đối với một người sáng tác, quan trọng nhất là hình thành được cá tính sáng tạo. Nó gần như phụ thuộc vào hai yếu tố, đó là tính cách tự nhiên của con người đó và trình độ học thức. Điều đó đều có ở nhà văn Nguyễn Hiếu, một tác giả đặt ra những vấn đề luôn rất dữ dội. NSƯT Lê Chức – tri kỷ lâu năm của nhà văn Nguyễn Hiếu cũng tới tham dự. Ảnh: Thủy Vũ Quầy sách hôm nay có ý nghĩa ở chỗ, Nguyễn Hiếu đã có vinh hạnh được công nhận là nhà văn của làng Chèm. Đó như một "định mệnh", vì người ta có thể đi ra khỏi làng, rồi người ta trở về, còn Nguyễn Hiếu gần như không đi đâu cả.  Tất nhiên, có một thời gian ông có học ở bên Nga nhưng phần lớn cuộc đời Nguyễn Hiếu gắn bó với làng Chèm, mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn sáng tác của ông ấy, mang đến những tác phẩm đầy chất Việt". Nhà văn Ma Văn Kháng cũng dành những lời tâm đắc cho phong cách sáng tác của nhà văn Nguyễn Hiếu: "Tác phẩm của Nguyễn Hiếu phản ánh toàn bộ lịch sử, lịch trình xã hội Việt Nam một cách chân thực và sâu sắc, nhưng cũng mang đến tận cùng của hiện thực là nỗi đau đớn ê chề qua số phận nhân vật ông miêu tả.  Nhân vật nào cũng mang một phần lịch sử xã hội và cá tính riêng. Ngoài ra bút pháp "lộng lẫy", vừa hiện thực, vừa tung tẩy, phóng túng, hoang tàng, phá phách nhưng lại rất chặt chẽ là điều có ở Nguyễn Hiếu". Một trong những tác phẩm được bạn đọc chú ý nhất tại quầy sách, chính là Tuyển tập tiểu thuyết: "Làng êm ả bên sông", "Vệt xoáy trước ngực làng" và "Dòng sông máu vẫn chảy".  Chia sẻ về tuyển tập tiểu thuyết này, nhà văn Nguyễn Hiếu cho hay: "Vệt xoáy trước ngực làng" và "Dòng sông máu vẫn chảy" phản ánh những sự cố, biến đổi của ngôi làng bên dòng sông Hồng - sông Cái - thuộc trung tâm đồng bằng Bắc Bộ từ những năm giữa thập niên 30 của thế kỷ trước, qua thời Pháp đô hộ, tiếp quản Thủ đô, cải cách ruộng đất đến khi chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Trong hai tiểu thuyết này có nhiều trang tả về hội làng, đình Chèm". Với "Làng êm ả bên sông", câu chuyện lấy bối cảnh là hội làng Chèm với trò chơi thả chim để phản ánh những sự rạn vỡ của làng quê Việt Nam bị ảnh hưởng trong cơn lốc đô thị hoá, tác phẩm đã được hai lần chuyển thể lên phim vào các năm 1996 và 2000. Độc giả hào hứng cầm trên tay tác phẩm của nhà văn Nguyễn Hiếu. Ảnh: Thủy Vũ Bên cạnh đó không thể không kể tới tuyển tập: "Con ngố và Người đàn bà ma ám", mô tả thân phận của phụ nữ làng quê Việt Nam trước những biến động của thời cuộc.  Ngoài ra, còn tập thơ "Làng mình" với cảm hứng là làng Chèm, qua sự cảm hoài của tác giả về sự dâu bể mà làng quê phải chịu đựng. Song song với ký ức, hoài niệm là những bài thơ lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của con người và cảnh vật làng Chèm". Mỗi tác phẩm của Nguyễn Hiếu đều thấm đẫm hồn Việt, qua cảm hứng làng Chèm. Ảnh: Thủy Vũ Tình yêu của nhà văn Nguyễn Hiếu với quê hương  "Mong muốn lớn nhất của tôi sau sự kiện này ngoài việc tri ân đối với quê hương, làng xóm mình, với tư cách là một nhà văn, tôi muốn thêm một lần, bằng tác phẩm và việc làm của mình khẳng định một điều bất biến: Tình yêu với quê hương là một trong những tình cảm cao quý nhất, đó chính là sức mạnh tạo cho mỗi con người biết yêu thương, vượt qua, hy sinh. Dù thăng trầm của thời gian, của cuộc sống và cả môi trường sống thay đổi thế nào thì quê hương luôn là điểm tựa của cội nguồn trong sáng, là niềm tin để mỗi con người xây dựng và giữ gìn thiện lương trong tâm hồn mình, trong thời đại kỹ thuật, sự tính toán thương mại đang ngày càng ảnh hưởng tới cuộc sống", nhà văn Nguyễn Hiếu trải lòng.
http://dlvr.it/SS3MW7

No comments

Powered by Blogger.