Tản mạn chuyện phóng viên theo dõi ngành giao thông
Nếu tôi không nhầm thì bắt đầu từ những năm đầu của thập niên 70 của thế kỷ trước là các ngành kinh tế cùng các đơn vị báo chí hình thành ra chế độ phóng viên theo dõi ngành.
Cơ quan báo chí chọn phóng viên phù hợp, giới thiệu qua ngành, Bộ chủ quản. Khi bên ngành, Bộ chủ quản nhất trí thì phóng viên này chịu trách nhiệm chính về tuyên truyền, nắm bắt thông tin của ngành, Bộ chủ quản.
Khi tôi được Ban Đối nội của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) phân công theo dõi mảng giao thông đúng vào thời kỳ kỹ sư Vũ Phạm Chánh, nguyên là Giám đốc Công ty Xây dựng Công trình và Đầu tư 120 được bổ nhiệm Chánh văn phòng Bộ GTVT.
Hồi đó, Bộ GTVT còn có Ban Tuyên truyền do kỹ sư Ngô Quang Huấn phụ trách đảm nhận vai trò thông tin tình hình của Bộ cho báo chí, liên hệ với phóng viên theo dõi ngành khi có những sự kiện của ngành GTVT cần tuyên truyền.
Cố Bộ trưởng Bùi Danh Lưu với anh em nhà báo, nhà văn. (Ảnh: NVCC)
Cùng với tôi theo dõi ngành GTVT dạo đó ở các cơ quan báo chí khác có Quang Tuấn báo Nhân dân, nhà báo này thời gian sau còn kiêm nhiệm việc đi theo các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta khi đi thăm nước ngoài. Thông tấn xã Việt Nam là Phạm Mạnh, báo Quân đội nhân dân có Ngọc Minh.
Đài Truyền hình Việt Nam, phóng viên theo dõi ngành đầu tiên là Phan Duyên, sau Đào Hùng thay thế. Đài Phát thanh sau này phát triển thêm Truyền hình Hà Nội là Chu Đức Soàn, báo Hà Nội mới có Văn Thành.
Thời gian đó, báo chí chưa nhiều như sau này nên phóng viên theo dõi ngành giao thông chỉ vẻn vẹn có bảy nhà báo là vậy. Sau này do yêu cầu tuyên truyền tăng lên nên mỗi cơ quan báo chí tùy từng sự việc lại cử thêm phóng viên theo dõi. Như ở Đài TNVN thêm phóng viên Minh Đức ở Ban Thời sự, Nguyễn Thị Thường chuyên về mảng khoa học, kỹ thuật…
Với tôi trong suốt thời gian làm việc chính thức ở Đài là 39 năm cộng thêm 13 năm về hưu, cho đến nay vẫn là phóng viên của Tạp chí Cầu đường thuộc Hội Cầu đường Việt Nam thì có thể nói tôi đã gắn bó với ngành GTVT với tư cách là một nhà báo là 52 năm.
Hơn nửa thế kỷ đó, trong thời gian đương chức công việc theo dõi ngành GTVT của tôi đã trải qua 10 đời Bộ trưởng Bộ GTVT. Đi dự hàng nghìn cuộc khởi công, khánh thành các con đường, con cầu, hạ thủy các con tàu đủ các trọng tải cùng những chuyến đi rong ruổi với các tuyến đường vận tải của nhiều loại phương tiện ô tô, tàu phà, máy bay và đã để lại nhiều kỷ niệm khó quên.
Tuyển tiểu thuyết in ba tiểu thuyết về GTVT sau ba chuyến công tác được nhắc trong bài. (Ảnh: NVCC)
Kỷ niệm đầu tiên ghi đậm trong trí nhớ của tôi là chuyến tháp tùng Bộ trưởng Đồng Sĩ Nguyên đi khởi công đường bê tông dài 30 km từ Bắc Kạn qua Phủ Thông ra biên giới phía Bắc vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Hồi đó, Bắc Kạn còn hoang vu.
Đài Chủ tịch đoàn dành cho đại biểu dự lễ khởi công bằng tre, nứa dựng trên thửa ruộng mới gặt. Khẩu hiệu chào mừng đại biểu và lễ khởi công kẻ trên cót và nong tre. Sau lễ khởi công, đoàn báo chí được Ban Tuyên truyền đưa đi thực tế, chứng kiến những chiếc lán trại đơn sơ cũng bằng nứa tre của nữ công nhân làm đường nằm giữa rừng heo hút.
Đơn vị nào có chiếc đài tăng xi to nghe có thể coi là văn minh. Khẩu hiệu treo trên vách lán có nội dung khiến tôi nhớ mãi "đi ngủ đúng giờ là chung thủy với người yêu".
Nói là vậy nhưng cuộc sống của nữ công nhân làm đường trên miền núi dạo đó thật khó khăn, vất vả, có được hạnh phúc gia đình là cả ước mơ cho mỗi một nữ công nhân. Vì thế nên mới có câu ngạn ngữ truyền miệng nói về sự vất vả của công nhân làm đường: "Mẹ duy tu, bố lái lu đẻ thằng cu đứng đường".
Thỉnh thoảng một chàng lái xe vận tải đường dài ghé qua những lán trại nữ công nhân làm đường và tạo ra những cuộc tình ngắn ngủi. Sau chuyến đi đó ngoài những bài báo nóng hổi về lễ khởi công, về những đơn vị tham gia dự án tôi viết cuốn tiểu thuyết "Bụi đường" phản ánh sự vất vả của công nhân làm đường và những chàng lái xe vận tải đường dài. Cuốn tiểu thuyết này năm 1990 đoạt giải Nhất cuộc thi viết về đề tài GTVT lần 2 do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ GTVT tổ chức .
Chuyến đi ấn tượng thứ hai là vào những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước khi đoàn phóng viên theo dõi ngành GTVT tháp tùng Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đi khảo sát Quốc lộ 7. Quốc lộ 7 có thể nói là trục xương sống của tỉnh Nghệ An bắt đầu từ Diễn Châu nối với Quốc lộ 1 trải dài các huyện miền Tây của Nghệ An từ Diễn Châu qua Yên Thành, Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn…Tôi cùng Phạm Mạnh phóng viên TTXVN ngồi cùng xe với kỹ sư Vũ Văn Liêm - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Giao thông 8.
Bây giờ việc giao thông trên Quốc lộ 7 thật nhẹ nhàng, thoải mái, còn dạo đó đi trên Quốc lộ 7 mới thấm thía cực hình của con đường. Bụi mù sau mỗi chuyến xe lăn, xe xóc nảy người vì đủ thứ ổ gà, ổ voi, động cơ xe gầm rú khi vượt qua những con dốc hẹp, quanh co…
Thỉnh thoảng lại gặp những quãng đường mà người trên xe như cảm giác đi trên những tảng cao su. Xe bập bềnh, nhún nhảy khiến người bị say xe càng khổ sở hơn. Khi xe đến Vinh, chúng tôi hỏi vì sao lại có đoạn đường lại có độ nhún cao su như vậy.
Bộ trưởng Bùi Danh Lưu giải thích là hồi đó ta làm đường theo quy trình công nghệ Liên Xô, vét bùn ở móng đường lên rồi thả đá hộc xuống, lu xong trải nhựa lên… Nhiều chỗ lâu ngày mưa nắng phong hóa nên đá hộc bị xô đảo khiến móng đường hình thành lồi lõm, độ nhún cao su từ đó phát sinh.
Sau này lần đầu tiên chứng kiến công nghệ làm đường ASSTO trên QL 5, thấy việc xử lý móng bằng cọc cát và bức thấm, rồi chất đất chịu tải đủ thời gian cho móng hết độ lún. Hôm nay, đi trên những con đường làm theo công nghệ ASSTO mới càng thấy rõ độ ưu việt của công nghệ làm đường tiên tiến khiến chất lượng đường tốt như thế nào .
Chuyến công tác đáng nhớ nữa phải kể đến lần tôi đi viết vận tải quá cảnh theo lời mời và đặt hàng của Cục trưởng Cục Vận tải Ô tô Bùi Quang Tựu nhân chuẩn bị kỷ niệm 40 năm thành lập ngành vận tải ô tô.
Sau thời gian phải tính đến hàng tháng tá túc tại Trụ sở Công ty 6 tại Hòa Khánh – Đà Nẵng, rồi ra sống chung với anh em lái xe quá cảnh tại bãi xe ở Đồng Hà - Quảng Trị, chứng kiến sự vất vả của lái xe quá cảnh khi vận tải thạch cao từ mỏ Đồng Hến bên nước bạn Lào vượt qua cửa khẩu Lao Bảo về Việt Nam.
Chứng kiến những con buôn lợi dụng vận tải để buôn lậu hàng từ Lào về gồm thuốc lá A Lào, dép tông, quần bò, nội y phụ nữ Thái Lan về… Tôi được anh hùng Cao Bá Tuyết - Giám đốc Công ty 6 mời cùng đi sang Sà Vằn (thủ phủ tỉnh Savannakhet) để hiểu thực tế hiểm nguy, vất vả của lái xe quá cảnh trên đường 6.
Xe chúng tôi đến thị trấn Sê Pôn được gọi là Pa-ri nhỏ, khi vào ăn trưa thì Giám đốc Tuyết bảo lái xe cho quay đầu hướng về Việt Nam. Tôi ngạc nhiên hỏi "Vì sao phải làm thế?". Anh hùng Cao Bá Tuyết nói khẽ "để đánh lừa phỉ".
Hóa ra, thời gian đó khu vực mỏ Đồng Hến nói riêng và tuyến đường 6 nói chung vẫn còn phỉ hoạt động, thường gây ra những vụ bất an cho lái xe quá cảnh của ta. Sau chuyến công tác đó cùng với phóng sự dài hơi phát trên Đài TNVN về công việc của lái xe quá cảnh tôi viết được cuốn tiểu thuyết "Quá cảnh" được Nhà xuất bản Tiền Giang cho in với số lượng 2 vạn bản.
Cùng với Chủ tịch Công đoàn Cienco 1 (bên trái) trên công trường xây dựng cầu. (Ảnh: NVCC)
Chuyến đi đáng nhớ nữa trong đời làm báo theo dõi ngành GTVT của tôi là chuyến thực tế tròn 6 tháng trên tàu vận tải viễn dương Điện Biên 01. Chuyến đi này theo lộ trình tôi phải vòng đi hai lần qua Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nửa năm sống cùng thuyền bộ gồm 36 anh em sĩ quan, thuỷ thủ của tàu Điện Biên 01 tôi mới hiểu nỗi vất vả, cực khổ và cả nguy hiểm của thủy thủ viễn dương là như thế nào.
Vì nhiệm vụ đối với ngành với đất nước, những người thuỷ thủ chấp nhận sống xa gia đình, chịu thiệt thòi về tình cảm, thiếu thốn không được dạy con, chăm sóc mẹ già, cha yếu… Thêm vào đó là liên tục đương đầu với cướp biển, bão giông bất ưng.
Tôi nhớ một lần khi tàu Điện Biên 01 từ Ô Nô mi chi - Nhật Bản sang Busan - Hàn Quốc, khi băng qua Nội Hải thì một cơn bão nội địa bất ngờ nổi lên, chiếc tàu gần 1 vạn tấn của chúng tôi như chiếc lá tre quật quã trong sóng gió. Trong cơn nguy kịch đó, thuyền trưởng Lê Ngọc Minh mời tôi lên khoang chỉ huy để chứng kiến giây phút căng thẳng do thiên nhiên gây ra.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn chảy nước mắt khi nhớ như in dòng điện tín đánh về đất liền giữa bão giông "nếu 15 phút nữa không thấy điện chúng tôi đánh về thì xin gửi lời vĩnh biệt tới Tổ quốc và những người thân". Rất may lần đó tàu chúng tôi không chết máy nên đã vượt qua được hiểm nghèo. Sau chuyến đi đó, tôi viết tiểu thuyết "Biển toàn là nước". Tác phẩm này năm 2010 được Tổng Liên đoàn và Hội Nhà văn Việt Nam trao giải tác phẩm viết về công nhân và người lao động.
Đấy đời làm báo theo dõi ngành GTVT của tôi trong hơn nửa thế kỉ qua là vậy!
Chèm, cuối tháng 5/2022.
Nguyễn Hiếu
http://dlvr.it/SRhnr1
http://dlvr.it/SRhnr1
Post a Comment