Thông tin mới nhất về vụ sắc phong Việt Nam bị rao bán trên mạng của Trung Quốc - TIN TỨC

Header Ads

Thông tin mới nhất về vụ sắc phong Việt Nam bị rao bán trên mạng của Trung Quốc

Theo tìm hiểu, ngày 12/4/2023, trên địa chỉ trang web của Công ty Shanghai Yangming Auction Co., Ltd có đăng tải thông tin Phiên đấu giá cổ vật "Giấy cũ phồn hoa – Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm". Đơn vị này thông báo Phiên đấu giá cổ vật trên sẽ bắt đầu lúc 9h30 ngày 22/4/2023 tại khách sạn Thượng Hải Majesty Plaza, Ký hiệu Phiên đấu giá là S23041. Sắc phong của đền Quốc Tế ở xã Dị Nậu trước khi bị đánh cắp vào tháng 5/2021. Ảnh: TL. Tại phiên đấu giá này dự kiến sẽ đấu giá 672 món cổ vật (từ số thứ tự 2001 đến số thứ tự 2672), đa phần là bằng chất liệu giấy. Các cổ vật là 12 sắc phong của Việt Nam niên đại thời Lê và Nguyễn, có số thứ tự từ 2243 đến số thứ tự 2254 được đem ra đấu giá tại phiên này. Trong số 12 sắc phong có các sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định... Các sắc phong này đều có nguồn gốc từ các di tích ở Phú Thọ, Hải Dương, Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh.  Trong đó, có 4 sắc phong là của đền Quốc tế, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, Phú Thọ: STT 2245: Sắc phong thần ngày 13/8/1846 niên hiệu Thiệu Trị thứ 6. Vị thần được phong: Trinh Chính Bạch Thạch Chi Thần. Địa phương lưu giữ sắc phong: xã Dị Nậu, huyện Tam Nông (không ghi tên tỉnh). STT 2246: Sắc phong thần ngày 20/11/1850 niên hiệu Tự Đức thứ 3. Vị thần được phong: Tản Viên Sơn Tam Vị Tôn Thần. Địa phương lưu giữ sắc phong: xã Dị Nậu, huyện Tam Nông (không ghi tên tỉnh). STT 2249: Sắc phong thần ngày 01/7/1887 niên hiệu Đồng Khánh thứ 2. Vị thần được phong: Tản Viên Sơn Tam Vị Thượng Đẳng Thần. Địa phương lưu giữ sắc phong: xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Hưng Hóa (nay là tỉnh Phú Thọ). STT 2250: Sắc phong thần ngày 18/11/1889 niên hiệu Thành Thái thứ 1. Vị thần được phong: Minh Kinh Chi Thần. Địa phương lưu giữ sắc phong: xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Hưng Hóa (nay là tỉnh Phú Thọ).  Sắc phong của Việt Nam được rao bán ở trang mua bán/đấu giá cổ vật của Trung Quốc. Ảnh: FB Trần Ngọc Đông. Ngoài ra, tại địa chỉ trang web của Công ty Shanghai Yangming Auction Co., Ltd còn đăng tải thông tin kết quả đấu giá các cổ vật là sắc phong thần của Việt Nam tại các phiên đấu giá trước đó kèm theo thông tin hiện vật, ngày đấu giá, giá khởi điểm, giá bán sau đấu giá. Một số hiện vật chưa bán được tại các phiên này không ghi giá bán. Ông Trần Ngọc Đông – người phát hiện việc sắc phong của Việt Nam được rao bán trên trang đấu giá cổ vật của Trung Quốc chia sẻ với Dân Việt rằng: "Chiều qua, thông qua những thông tin ban đầu trên trang cá nhân của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện – Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tôi biết được việc sắc phong của Việt Nam đang được rao bán ở một trang đấu giá cổ vật của Trung Quốc. Tôi vốn biết chữ Nho nên đọc sắc phong được rao bán trên trang này thì thấy có các chữ "Dị Nậu", "Tam Nông"… So sánh hình ảnh này với hình ảnh mà bên BQL đền Quốc Tế ở Dị Nậu (Tam Nông, Phú Thọ) cung cấp trước đó thì tôi khẳng định luôn đây chính là những sắc phong của đền Dị Nậu đã bị đánh cắp hồi 2021. Tiếp tục tìm hiểu, tôi phát hiện có 12 đạo sắc của các di tích ở các tỉnh thành của Việt Nam được đánh số từ 2243 đến 2254 sẽ được đem ra đấu giá vào hôm 22/4 tới. Theo suy đoán cá nhân, tôi nghĩ vẫn còn nhiều đạo sắc đang được cất giữ để tung ra đấu giá nhiều đợt". Các sắc phong được rao bán lần này có nguồn gốc từ Phú Thọ, Hà Nam, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương. Ảnh: Fb Trần Ngọc Đông. Theo ông Trần Ngọc Đông, việc bị đánh cắp sắc phong đã là một chuyện đau lòng, việc sắc phong bị rao bán trên các trang thương mại điện tử của nước ngoài như những món hàng lại càng đau lòng hơn. Lúc này, câu chuyện đã không còn đơn thuần là việc bị mất cắp nữa mà là câu chuyện văn hóa bị chà đạp. "Theo như tôi biết thì đền Quốc tế của làng Dị Nậu (Tam Nông, Phú Thọ) bị mất cắp tới 39 sắc phong được ban qua các đời vua nhà Lê, nhà Nguyễn vào hồi tháng 5/2021. Vụ việc bị mất cắp sắc phong khiến bác Trưởng BQL của đền buồn phiền tới mức đổ bệnh. Làng Bạch Xá (Duy Tiên, Hà Nam) cũng bị mất 15 sắc; Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) bị mất 10 sắc; Hoàn Dương (Phú Xuyên, Hà Nội) 3 sắc… Hầu hết đều bị mất trong khoảng vài năm trở lại đây. Tôi thậm chí còn biết, có những sắc phong vừa bị mất hồi tháng 4 thì tháng 8 đã xuất hiện trên các trang rao bán cổ vật của nước ngoài", ông Trần Ngọc Đông nói. Các sắc phong được đem ra đấu giá có niên đại từ thời Lê đến thời Nguyễn. Ảnh: Fb Trần Ngọc Đông. Sắc phong bị rao bán trên trang thương mại của nước ngoài là chuyện đau lòng Ông Trần Ngọc Đông cho rằng, sắc phong được vua ban cho các vị thần thờ trong đền, đình… ở các làng quê được người dân xem như linh hồn của di tích. Nhiều nơi còn xem sắc phong như "thánh chỉ" của vua phong sắc cho thần để thần che chở, hộ vệ cho làng; dân sở tại có nghĩa vụ phải hương khói phụng thờ thần.  Đó là chưa kể đến, sắc phong cũng khẳng định tính chủ quyền về mặt không gian lẫn lịch sử của di tích đó. Trong sắc phong luôn ghi rõ thời gian ban sắc và địa phương được ban sắc, dựa vào đó người ta có thể biết di tích có lịch sử bao nhiêu năm, vị thần được thờ trong di tích có công trạng như thế nào. Liên quan đến việc này, PV Dân Việt đã liên hệ với Bộ VHTTDL, Bộ này cho biết đã nắm được thông tin và đang giao cho cơ quan chuyên môn tìm hiểu sự việc để đưa ra phương án phù hợp với quy định của pháp luật. Cục Di sản văn hoá đã gửi công văn hỏa tốc đến 8 địa phương để triển khai xác minh sự việc trên. PGS.TS Bùi Xuân Đính - Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, sắc phong thần mang nhiều giá trị quý báu, vì chứa đựng nhiều thông tin có giá trị về các mặt: - Tín ngưỡng thành hoàng làng, thông qua các loại thần được các làng thờ và được Nhà nước phong sắc (Thiên thần, Địa thần, Thủy thần, Mộc thần và Nhân thần với các thành phần khác nhau); - Tên làng và sự phụ thuộc của làng vào các đơn vị hành chính qua các triều vua phong sắc (các Sắc phong thời Nguyễn); - Giá trị lịch sử qua các vị thần liên quan đến sự nghiệp dựng nước và giữ nước của làng xã và của người Việt; sự thể chế hóa việc thờ thần và "phong kiến hóa" các vị thần; - Giá trị mỹ thuật, thể hiện qua hình ảnh con rồng trong Sắc phong ở từng triều vua; - Giá trị về văn bản học, thể hiện qua chữ viết trên Sắc phong của các triều vua; - Thông tin về các loại ấn của các triều vua. Trong lịch sử các vương triều của Nhà nước phong kiến Đại Việt - Việt Nam, thường khi vua lên ngôi, mừng sinh nhật 40, 50 của vua hoặc có những điều vui khác, đều thực hiện phong sắc cho các vị thần ở các làng quê. Ban sắc là một một chính sách, ân điển lớn của các vương triều; là một trong những biện pháp của Nhà nước phong kiến nhằm nắm làng xã về phương diện tâm linh, tinh thần. Sắc phong thần còn phản ánh quyền uy tối thượng của nhà vua. Nếu sắc phong giấy đầu tiên xuất hiện vào niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497) còn giữ được đến ngày nay thì đợt phong sắc cuối cùng diễn ra vào năm Khải Định thứ chín (Giáp Tý, 1924). Không chỉ có những giá trị quý báu về phương diện tư liệu, sắc phong là loại cổ vật, di sản vô giá, của địa phương, dòng họ do tính độc bản, duy nhất của nó (mỗi làng hay mỗi người được phong sắc chỉ được nhận một bản).
http://dlvr.it/SmNftd

No comments

Powered by Blogger.