Vì sao những bản Rap dung tục, trái đạo lý vẫn xuất hiện trện mạng xã hội?
Hàng loạt bản Rap bị coi là "rác" xuất hiện trên các trang nhạc
Mới đây, ca khúc Để ai cần của B Ray (tên thật Trần Thiện Thanh Bảo) gây xôn xao dư luận với những ca từ có nội dung tục tĩu, xúc phạm phụ nữ. Không chỉ vậy, ở nhiều câu rap, tác giả còn mong người yêu cũ mắc bạo bệnh (Anh mong em đánh bại được ung thư/ Chỉ để bị ung thư thêm lần nữa), gặp tai nạn (Chúc em khi bệnh không người thăm/ Về nhà mùng 1 và 15/ Anh mong mỗi lần em leo cầu thang là chân bị hụt/ Chúc em qua đời thanh thản ở trên giường ngủ).
Ngày 3/1, Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM cho biết đã làm việc với rapper này và sẽ sớm đưa ra quyết định trong việc xử lý sai phạm.
Trước đó, vào tháng 10/2021, Thanh tra Bộ VHTTDL đã ra quyết định xử phạt rapper Chí (tên thật Lê Vũ An) – thành viên nhóm Rap Nhà Làm vì vi phạm hành chính khi lưu hành bản ghi âm Thích Ca Mâu Chí trên mạng xã hội có nội dung xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo với số tiền 45 triệu đồng.
Đồng thời, rapper Chị Cả (tên thật Đinh Thanh Tùng) cũng bị phạt vì vi phạm hành chính về lưu hành bản ghi âm Censored (Mua cho con chiếc còng tay) trên mạng xã hội có từ ngữ trái với thuần phong, mỹ tục, thậm chí cổ súy hành vi loạn luân số tiền 35 triệu đồng.
Vào tháng 6/2014, Thanh tra Bộ VHTTDL từng xử phạt hai trang nghe nhạc trực tuyến tại Việt Nam số tiền 16 triệu đồng do phổ biến bản ghi âm bài hát "Phiếu bé ngoan" (Yanbi, Mr T và T-Akayc) có nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của Việt Nam.
Dù không nằm trong danh sách bị xử phạt, nhưng hàng loạt bản rap như Mẩy thật mẩy của BigDaddy, Lái máy bay của Bình Gold, Cypher nhà làm của nhóm Rap Nhà Làm... cũng bị chỉ trích mạnh mẽ do các ngôn từ thô tục xuất hiện dày đặc. Không chỉ vậy, MV giới thiệu những sản phẩm này còn dày đặc hình ảnh 18+, với nhiều ý đồ ẩn dụ trong đó.
Rapper Việt cần ý thức được trách nhiệm với xã hội
Trao đổi với PV Dân Việt ngay sau khi đăng quang Rap Việt, rapper Double2T không phủ nhận việc anh đã từng sáng tác những bản Rap có phần chệch chuẩn: "Do lúc đó tôi còn trẻ, đa phần rapper lại thuộc bộ phận underground nên tôi cũng sáng tác những ca khúc hơi bậy một chút. Cũng may là các tác phẩm này chưa được công bố hoặc chưa có điều kiện phổ biến. Tuy vậy, sau khi tham gia Rap Việt, tôi đã hiểu được hướng đi của mình, những thứ mình cần làm để giữ gìn hình ảnh, không phụ tình cảm của khán giả".
Trong khi đó, rapper Hà Lê cho rằng, việc các bản Rap có nội dung dung tục, thiếu thẩm mỹ không phải vấn đề mới xảy ra mà đã xuất hiện từ rất lâu trước đó. "Nói một cách tổng quan, tôi cho rằng đó là câu chuyện về sự thích nghi của một loại hình văn hóa, nghệ thuật từ phương Tây khi du nhập về Việt Nam. Những người yêu thích, lĩnh hội loại hình văn hóa này sẽ phải tìm cách để thích nghi và phát triển nó sao cho phù hợp với nền văn hóa truyền thống của dân tộc".
Hà Lê cũng đưa ra ý kiến: "Khi đụng chạm về những vấn đề như tôn giáo hay các chủ đề nhạy cảm trong văn hóa phương Đông, người sáng tác phải làm sao để có thể truyền tải ý đồ của mình một cách tinh tế, thông minh mà không thô tục. Đó là cái khó của những rapper Việt Nam, đòi hỏi họ phải trau dồi, nỗ lực. Đây sẽ là bài học cho họ trên chặng đường sau này, và lùm xùm này cũng là điều cần thiết cho làng nhạc rap Việt Nam trong hành trình phát triển".
Thực tế cho thấy, việc xử phạt số tiền có giá trị chục triệu đồng dường như chưa tác động nhiều tới các nghệ sĩ theo dòng nhạc Rap. Với sự phóng khoáng và có phần "bốc đồng" của tuổi trẻ, họ sẵn sàng cho ra đời những ca khúc có ngôn từ gây "sốc", nhằm thu hút khán giả trẻ, đặc biệt là những thanh niên ở độ tuổi dưới 20. Vấn đề đặt ra là những quy định rõ ràng, nghiêm khắc hơn từ nhà quản lý, cũng như sự thay đổi ở tư duy của chính các rapper trong việc chinh phục khán giả.
Bài viết Vì sao những bản Rap dung tục, trái đạo lý vẫn xuất hiện trện mạng xã hội? được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này
Post a Comment