Chow Tai Fook - Đế chế trang sức hàng đầu Trung Quốc: Từ tiệm vàng nhỏ đến sản nghiệp nghìn tỷ, giàu có bậc nhất qua 3 thế hệ
Chow Tai Fook là tập đoàn trang sức hàng đầu của Trung Quốc, từng lọt vào danh sách Top 10 thương hiệu sản phẩm xa xỉ toàn cầu năm 2021, bên cạnh các tập đoàn lớn như LVMH, L'Oréal và CHANEL.
Chow Tai Fook được thành lập vào năm 1929, tiền thân là "Kim hoàn Chow Tai Fook" nằm trên đường Hồng Đức, Quảng Châu. Chow Tai Fook cũng có nghĩa là “Chu Đại Phúc”, liên quan đến họ của chủ cửa hàng đầu tiên là ông Chu Chí Viễn. Song người thực sự đưa một cửa hàng kim hoàn nhỏ bé trở thành tập đoàn tỷ phú lại chính là ông Trịnh Dụ Đồng.
Ông Trịnh Dụ Đồng, CEO đầu tiên của Tập đoàn Chow Tai Fook
Năm xưa, Trịnh Dụ Đồng chỉ là một nhân viên học việc, sau đó ông cưới luôn con gái chủ tiệm vàng, rồi tự phụ trách công việc kinh doanh của riêng mình, niêm yết Chow Tai Fook và lấn sân sang nhiều ngành nghề như bất động sản, vận tải... đặt nền móng thành công cho sản nghiệp gia tộc.
Vua sòng bài Macau Hà Hồng Sân và Trịnh Dụ Đồng từng là đối tác kinh doanh, cả hai quen biết nhờ thành công và sau đó tạo nên tình bạn sâu sắc. Khi Trịnh Dụ Đồng qua đời vào năm 2016, Hà Hồng Sân còn không thể tin đó là sự thật.
Lý Gia Thành cũng là bạn thân của Trịnh Dụ Đồng, hai vị tỷ phú có nhiều điểm chung và có thể nói là rất quý mến nhau. Tuy nhiên, Trịnh Dụ Đồng thường trêu chọc Lý Gia Thành, nói rằng bản thân không "bận rộn" như Lý Gia Thành.
Vua sòng bài Macau Hà Hồng Sân và Trịnh Dụ Đồng
Lý Gia Thành và Trịnh Dụ Đồng
“Tôi không bận rộn như Lý Gia Thành. Ông ấy đi làm sau 8 giờ sáng, còn tôi đi làm lúc 11 giờ gần trưa. Chúng tôi thích chơi gôn, nhưng bây giờ tôi không còn thích chơi với ông ấy vì ông ấy chơi lúc 6 giờ sáng, lúc đó tôi vẫn còn ngủ. Hiện tại tôi chỉ quanh quẩn ở nhà. Nhưng ông ấy lại chạy vòng quanh thế giới cả ngày, không ngừng nghỉ một chút nào”, Trịnh Dụ Đồng nói về Lý Gia Thành.
Hiện tại, Tập đoàn Chow Tai Fook, ngoài Chow Tai Fook Jewellery, còn bao gồm các công ty niêm yết như New World Development và New World Department Store China.
Sự giàu có của gia tộc họ Trịnh hiện đã được truyền lại cho thế hệ thứ ba, mặc dù có những thăng trầm ở thế hệ thứ hai buộc người cha già Trịnh Dụ Đồng phải quay lại kinh doanh nhưng sức mạnh vẫn bùng nổ khi người cháu Trịnh Chí Cương đầy triển vọng tiếp quản.
Ba người thuộc ba thế hệ tiếp quản sản nghiệp gia tộc họ Trịnh
Vậy bí quyết nào đã khiến gia đình Trịnh Dụ Đồng giàu có suốt ba thế hệ?
Đời thứ nhất: Siêng năng + Trí tuệ + Bố chồng
“Bố vợ từ trên trời xuống, con rể tốt nối ngôi”
Quý nhân quan trọng nhất trong đời của Trịnh Dụ Đồng chính là bố vợ. Ông sinh năm 1925 tại thành phố Thuận Đức, tỉnh Quảng Đông, cha ông là Trịnh Kính Di, một thương gia buôn bán lụa. Học xong tiểu học, ông đến Macau và học việc trong cửa hàng kim hoàn Chow Tai Fook của Chu Chí Viễn, bạn của bố.
Chỉ trong ba năm, Trịnh Dụ Đồng từ một chân chạy việc thành chủ cửa hàng nhờ sự siêng năng, chăm học và đầu óc xuất chúng. Dù chỉ có bằng tiểu học nhưng ông vẫn quản lý hoạt động hàng ngày của cửa hàng một cách có quy củ.
Lúc này, Trịnh Dụ Đồng hoàn toàn được Chu Chí Viễn đánh giá cao, cũng là người đẩy thuyền cho chàng trai trẻ họ Trịnh cưới con gái mình, Chu Thúy Anh.
Sau khi kết hôn, Trịnh Dụ Đồng càng chăm chỉ phát triển sự nghiệp với sự ủng hộ hết lòng của bố vợ.
Từ làm việc tại cửa hàng đầu tiên ở Macau, đến việc dẫn dắt Chow Tai Fook vào Hong Kong năm 1946, rồi niêm yết tại Hong Kong vào năm 2011, Trịnh Dụ Đồng đã đóng một vai trò không thể thiếu. Vào những năm 1950, Chow Tai Fook mở cửa hàng tại các trung tâm thương mại lớn như Vịnh Causeway và Cửu Long, và tiếp tục mở rộng quy mô. Vào những năm 1960, ông bắt đầu mở rộng kinh doanh kim cương và trở thành “Ông hoàng trang sức”.
Điều thực sự khiến Chow Tai Fook nổi tiếng trong ngành là vàng 9999 do Trịnh Dụ Đồng quảng bá vào năm 1956, đã tạo nên danh tiếng cho công ty.
Ở Hong Kong có câu “tiệm vàng còn nhiều hơn tiệm gạo”. Tuy nhiên, chất lượng vàng trên thị trường lúc đó đều là vàng 99 (tức hàm lượng vàng là 99%), nhiều thương gia cho là kém chất lượng. Chow Tai Fook là chuỗi tiệm vàng đầu tiên tung ra vàng nguyên chất 9999 (tức vàng có hàm lượng vàng là 99,99%), trở thành cơn sốt được lựa chọn hàng đầu để mua vàng và đầu tư.
Bất động sản, người tài táo bạo
Trịnh Dụ Đồng không chỉ nắm trùm ngành trang sức mà còn là một trong những ông trùm bất động sản hàng đầu. Ông, Lý Gia Thành, Lý Triệu Cơ và Quách Đắc Thắng được mệnh danh là "Bốn người giàu nhất Hong Kong" và đều là những nhân vật quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của Hong Kong. Năm 2017, tài sản ròng của gia đình Trịnh Dụ Đồng vượt quá 20 tỷ USD, vậy làm thế nào ông chuyển từ trang sức sang bất động sản?
Sau khi đạt nhiều thành tựu trong “ngành vàng”, Trịnh Dụ Đồng bắt đầu tung ra mạng lưới đầu tư rộng khắp. Trong số đó, lĩnh vực bất động sản được tham gia nhiều nhất đã giúp ông nhanh chóng tích lũy tài sản.
Vào những năm 1960, khi giá đất ở Hong Kong còn thấp, ông đã mua một lượng lớn đất với giá rẻ và xây dựng các tòa nhà, khách sạn quy mô lớn, trở thành nhân vật chủ chốt ở Hong Kong. Lý Gia Thành cũng bắt đầu sự nghiệp của mình trong thời gian đó.
Vào những năm 1970, ông và các đối tác kinh doanh của mình đã thành lập New World Development, được niêm yết tại Hong Kong chỉ sau hai năm.
Trong những năm 1980 và 1990, mối quan tâm của ông ngày càng mở rộng. Từ ngành giải trí (ATV) đến khách sạn, từ vận tải hành khách, công nghiệp điện (Công ty Điện lực Macau) đến các dự án cơ sở hạ tầng lớn… Với tầm nhìn độc đáo của ông, các dự án đầu tư của ông gần như đảm bảo sinh lời.
Trịnh Dụ Đồng táo bạo và quyết đoán trong kinh doanh. Điều này có thể được nhìn thấy qua việc ông đã tung ra vàng 9999. Khi nói đến đầu tư bất động sản, ông càng dũng cảm và có tầm nhìn xa hơn.
Sự kiện tiêu biểu nhất là việc khởi công xây dựng Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Hong Kong vào năm 1986. Khi đó, Trịnh Dụ Đồng mua mảnh đất này nhưng chậm khởi công, khi mọi người cho rằng ông gặp khó khăn về tài chính, ông tuyên bố sẽ đợi đến ngày Nữ hoàng Elizabeth II đến thăm để động thổ và mời Nữ hoàng đến dự cắt ruy băng. Quyết định này đã giúp Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Hong Kong của ông càng trở nên nổi tiếng và hút khách.
Trịnh Dụ Đồng từng nhận xét về sự thành công của mình: “Vận may chỉ đến một hoặc hai lần, không tồn tại mãi mãi. Vì vậy, siêng năng là quan trọng nhất, kế tiếp không thể xem nhẹ, đó chính là sự chân thành”.
Đời thứ hai: Người thừa kế thiếu năng lực, suýt phá hủy sản nghiệp gia tộc
Kiếm tiền thì dễ nhưng giữ thì khó, việc phân chia tài sản thường giáng một đòn chí mạng vào tài sản của những gia tộc giàu có.
Trịnh Dụ Đồng đã làm việc chăm chỉ trong nửa cuộc đời và có thể duy trì sự giàu có đến thế hệ thứ ba. Điều này là do ông đã lên kế hoạch cho những người thừa kế từ trước và tránh những tranh chấp không đáng có.
Trịnh Dụ Đồng và vợ Chu Thúy Anh có hai con trai và hai con gái, hai người con trai là con trai cả Trịnh Gia Thuần và con trai thứ Trịnh Gia Thành. Là con trai cả, Trịnh Gia Thuần đương nhiên kế thừa sản nghiệp gia tộc một cách suôn sẻ và tiếp quản công việc kinh doanh của cha.
Trịnh Gia Thuần
Trên thực tế, Trịnh Dụ Đồng đã xác định Trịnh Gia Thuần là người kế vị của mình từ lâu và đã rèn giũa con từ thuở niên thiếu. Tuy nhiên, điều trớ trêu là con trai cả lại có những thói quen không tốt (như tụ tập với nhiều thiếu gia khác đánh bài thâu đêm…) khiến cha già thất vọng. Đó cũng chính là lý do Trịnh Dụ Đồng trì hoãn việc kế thừa và phải mất hàng thập kỷ thì Trịnh Gia Thuần mới được tiếp quản sản nghiệp gia tộc.
"Thiếu gia" đã 43 tuổi khi tiếp quản New World Department Store China, song có lẽ vì thiếu kinh nghiệm thực tế và bộ óc giống cha, mặc dù làm việc chăm chỉ nhưng ông liên tiếp đưa ra nhiều quyết định sai lầm, khiến tập đoàn chịu nhiều tổn thất.
Điều này buộc Trịnh Dụ Đồng phải quay trở lại để ổn định tình hình. Khi Chow Tai Fook lên sàn vào năm 2011, Trịnh Dụ Đồng, đã ngoài 80 tuổi, phải đích thân đứng ra nắm quyền.
Không những suýt làm mất sản nghiệp gia tộc mà đời tư của vị thiếu gia này cũng lộn xộn không kém. Ông có hai đứa con riêng trong khi vẫn chưa ly hôn vợ. Vợ ông là bà Diệp Mỹ Khanh không quan tâm đến mối quan hệ ngoài luồng của chồng, miễn là điều đó không ảnh hưởng đến địa vị của bà.
Ngược lại, cuộc sống của cha già Trịnh Dụ Đồng luôn đơn giản ngoại trừ việc chơi bài, chơi gôn, đầu tư và thu tiền thuê nhà.
Có vẻ như dù không có “drama tranh chấp tài sản thừa kế” nhưng việc có một cậu con trai “đầy tai tiếng” lại khiến người ta lo lắng về nhiều mặt...
Đời thứ ba: Sao sáng soi rọi gia tộc họ Trịnh
Thiếu gia khiêm tốn nhất Hong Kong
Mặc dù đời thứ hai không đạt được kỳ vọng nhưng thế hệ thứ ba của gia tộc Trịnh Dụ Đồng đã có sự khởi sắc. Đặc biệt là con trai cả của Trịnh Gia Thuần, Trịnh Chí Cương, có thể nói là đã cứu được thanh danh của cha mình và trở thành ngôi sao sáng nhất, có lẽ còn vượt qua cả ông nội Trịnh Dụ Đồng.
Trịnh Chí Cương
Với tư cách là phó chủ tịch của New World, Trịnh Chí Cương cùng cha quản lý sản nghiệp gia tộc. Không ngờ cha bị đột quỵ, anh một mình đứng đầu tàu, gia tộc họ Trịnh vẫn nằm trong danh sách những gia tộc giàu có hiện nay. Đương nhiên, Tập đoàn Chow Tai Fook tiếp tục đạt được những kết quả nổi bật.
Trịnh Trí Cương từ nhỏ đã rất thông minh, học lực rất tốt, tuy sinh ra đã 'ngậm thìa bạc' nhưng anh không hề có chút tính khí công tử. Anh tốt nghiệp Harvard, yêu thích nghệ thuật và âm nhạc, từng học các khóa học về nghệ thuật và văn hóa ở Nhật Bản, thành lập trung tâm mua sắm K11. Năm 2015, anh trở thành người thứ hai trong số 10 người trẻ giàu nhất châu Á với tài sản ròng là 4,4 tỷ USD (hơn 108 nghìn tỷ đồng).
Anh thường xuất hiện trước công chúng với cách ăn mặc khá đơn giản, còn khi tham dự các sự kiện trông sang trọng hơn một chút, nhìn chung vẫn giữ phong thái khiêm tốn. Vài năm nay, anh cũng bắt đầu nuôi râu và đi theo con đường nghệ thuật.
Tài sản của Trịnh Trí Cương chủ yếu được thừa kế từ ông nội Trịnh Dụ Đồng, ông chủ của hai tập đoàn lớn New World và Chow Tai Fook.
Chow Tai Fook hiện có hơn 4.000 cửa hàng trên khắp thế giới và lợi nhuận hàng năm lên tới hàng tỷ NDT. Việc kinh doanh trong lĩnh vực này gần như rất ổn định và có thể đóng góp một khoản lợi nhuận cố định cho gia đình Trịnh Trí Cương hàng năm.
Ngoài ra, trong lĩnh vực bất động sản, Trịnh Trí Cương cũng rất năng nổ. Trịnh Trí Cương thành lập K11 tại Hồng Kông sau khi tốt nghiệp đại học. Trung tâm mua sắm này đã trở nên thành công ngay sau khi thành lập và đạt được lợi nhuận trong vòng chưa đầy hai năm. Đây là điều mà các trung tâm mua sắm ở Hồng Kông chưa từng làm được trước đây.
Vợ là giám đốc, em gái là tinh anh
Trong thế hệ thứ ba của gia tộc họ Trịnh, vợ và em gái của Trịnh Chí Cương cũng là những người ưu tú.
Trịnh Chí Cương và vợ Dư Nhã Dĩnh tổ chức đám cưới đình đám vào năm 2009. Các nhân vật có tiếng trong giới kinh doanh như Lý Gia Thành, Lý Triệu Cơ, Dương Thụ Cơ… đều được mời tham dự đám cưới.
Vợ Dư Nhã Dĩnh tốt nghiệp Đại học Columbia và giữ chức vụ quan trọng tại Goldman Sachs.
Em gái của Trịnh Chí Cương, Trịnh Chí Văn, cũng là một phụ nữ xinh đẹp, tốt nghiệp Harvard và được vinh danh là một trong 40 doanh nhân ưu tú nhất thế giới dưới 40 tuổi vào năm 2018.
Trịnh Chí Văn được nhiều người mệnh danh là 'nữ hoàng khách sạn'. Cô cũng từng tốt nghiệp Harvard, là chủ tịch của New World Hotel Management và điều hành công ty quản lý các khách sạn nổi tiếng Carlyle ở New York và Hotel de Crillon tại Paris.
Anh em phân chia công việc và cùng nhau quản lý sản nghiệp, mỗi người thực hiện nhiệm vụ của mình.
Nguồn: Tổng hợp
Bài viết Chow Tai Fook - Đế chế trang sức hàng đầu Trung Quốc: Từ tiệm vàng nhỏ đến sản nghiệp nghìn tỷ, giàu có bậc nhất qua 3 thế hệ được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này
Post a Comment