"Giũa: Phong sắc" - Bất cứ ai cũng có thể bắt đầu với hội họa sơn mài - TIN TỨC

Header Ads

"Giũa: Phong sắc" - Bất cứ ai cũng có thể bắt đầu với hội họa sơn mài

Ngày 3/3/2024, chuỗi sự kiện "Giũa: Phong sắc" chính thức ra mắt công chúng tại MAI Gallery (113 Hàng Bông, Hà Nội). Chuỗi sự kiện được tổ chức bởi studio sơn mài Dragon Sigma, với nhiều hoạt động thú vị, trong đó có triển lãm trưng bày 30 tác phẩm sơn mài. Đáng chú ý, các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm đều là tác phẩm của những người không chuyên, lần đầu tiếp xúc với sơn mài. Không bó buộc trong những chủ đề như cây đa, giếng nước... mà chúng ta thường thấy trong sơn mài truyền thống, với cách tiếp cận có phần tự do, phóng khoáng và gần gũi hơn, mỗi bức tranh tại triển lãm là những lát cắt thể hiện phong cách biểu hiện và sắc độ tư duy của một phạm vi người trẻ đối với sơn mài.

Tại sao lại là "Giũa: Phong sắc"?

"Giũa" - lấy cảm hứng từ kỹ thuật mài trong sơn mài, tên hoạt động hướng tới tinh thần không ngừng rèn giũa bản thân. Đồng thời, tựa đề triển lãm là một cách chơi chữ ngụ ý "phóng", mang tới hy vọng về sự chuyển động tiến lên.

Họa sĩ Phạm Khắc Thắng - người sáng lập studio Dragon Sigma cho biết, "Giũa" sẽ là hoạt động thường niên do Dragon Sigma tổ chức bắt đầu từ năm nay. "Trong 2 năm qua, Dragon Sigma đã bắt đầu những bước đi khá là khó khăn, nhưng cũng đang định hình và khẳng định mình. Trước đây, khi Dragon Sigma mới đi vào hoạt động, Thắng từng có ý định đóng cửa studio bởi như các bạn đã biết, sơn mài là bộ môn khá là khó tiếp cận với mọi người. Mặc dù vậy, dần dần, các lớp học thu hút nhiều sự quan tâm hơn, các bạn học viên cũng khá là hào hứng với sơn mài, đã khơi lại niềm yêu thích và đam mê sơn mài trong Thắng. Mình rất vui khi mở ra triển lãm này với sự góp sức của các bạn học viên. Điều này đã tạo nên sự thành công của dự án".

Chuỗi sự kiện "Giũa: Phong Sắc" được tổ chức bởi Dragon Sigma - studio sơn mài cho người không chuyên do họa sĩ Phạm Khắc Thắng sáng lập, nơi trưng bày 30 tác phẩm của các học viên

Tác giả của 30 tác phẩm tại triển lãm là những người mới bắt đầu, do đó các tác phẩm rất tự nhiên, giàu cảm xúc - điều mà đôi khi những người chuyên nghiệp đánh mất qua quá trình phát triển và cọ xát thực tế lâu năm.

Ngược dòng thời gian trở về quá khứ, hội họa sơn mài Việt Nam, kể từ năm 1932 tới nay, đã trải qua gần một thế kỷ phát triển. Từ cái "tĩnh" của nghìn năm trang trí, sơn ta được giải phóng để đến với cái "động" phóng khoáng, tự do. Cuộc cách mạng sơn mài trong quá khứ đã thành công đến độ khiến cả thế giới phải sửng sốt, phá bỏ hoàn toàn nghi hoặc về khả năng biểu hiện nghệ thuật của sơn mài Việt Nam.

Giũa: Phong sắc - Bất cứ ai cũng có thể bắt đầu với hội họa sơn mài - Ảnh 2.

Họa sĩ Phạm Khắc Thắng (phải) và học viên tại triển lãm.

Do đó, khi thành lập ra Dragon Sigma, họa sĩ Phạm Khắc Thắng mong muốn có thể tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ cho bất kỳ ai có hứng thú với sơn mài. Thực hành của anh thường sử dụng phổ màu tươi sáng, hình ảnh táo bạo, mang hơi thở đương đại, lấy cảm hứng từ Pop Art - những đặc điểm hiếm ai nghĩ khi nhắc đến sơn mài.

"Sơn mài không cũ..."

Lớp học sơn mài Dragon Sigma không gò bó ý tưởng và tôn trọng tính bản sắc trong câu chuyện mỗi người để thổi hồn vào tác phẩm của mình, do đó những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm đậm tính cá nhân hơn.

Với tác phẩm "Chim sa", học viên Lê Ngọc Hân (sinh viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp - Khoa Hội họa) cho biết: "Ban đầu ý tưởng bức tranh của mình là hình ảnh phản chiếu của 2 con chim trên mặt hồ nước, nó khá là khó với người mới bắt đầu như mình. Anh Thắng đã tư vấn mình nên thay đổi ý tưởng thành 2 con chim bay lên, sau đó mình đã được hướng dẫn rất chi tiết cho từng phần, từng chi tiết của bức tranh. Và anh Thắng cũng hỏi ý kiến mình khi thay đổi và gợi ý chất liệu ở từng phần như thế có phù hợp không, rồi mình mới tiếp tục bước tiếp theo".

Nhận xét về nghệ thuật sơn mài sau một thời gian học tập tại Dragon Sigma, Ngọc Hân chia sẻ hài hước rằng "Nó thú vị. Nó đỏng đảnh. Tại vì tranh sơn mài phải ủ ẩm thì mới khô được. Phải bỏ ra nhiều thời gian, cũng như sự kiên nhẫn để tìm hiểu, giống như cô người yêu vậy. Đỏng đảnh, kiêu kỳ lắm. Nhưng mà nó rất đẹp, và mình rất thích. Mình muốn tiếp tục học sâu hơn về tranh sơn mài để làm chủ màu sắc trong sơn mài, và xử lý các chất liệu hợp lý hơn".

Giũa: Phong sắc - Bất cứ ai cũng có thể bắt đầu với hội họa sơn mài - Ảnh 3.

Tác phẩm "Chim sa" của học viên Lê Ngọc Hân

Bạn Vũ Yến Linh - Sinh viên khoa Gốm - Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, tác giả của tác phẩm "Em cũng không biết nữa" bộc bạch: "Mình từng biết anh Thắng qua một triển lãm, khi đó mình xem tranh của anh và rất ngưỡng mộ tranh của anh, cái màu sắc trong tranh của anh rất khác biệt so với dòng tranh truyền thống. Và từ đó mình đi tìm hiểu làm thế nào mà từ chất liệu truyền thống tranh của anh lại mang lại những màu sắc hiện đại, mới mẻ như vậy. Khi biết anh mở lớp học, mình đã đăng ký tham gia.

Khi mình biết đến tranh sơn mài truyền thống, mình luôn ghi nhớ trong đầu rằng, đó là màu tông trầm và luôn luôn có màu đỏ son trong đấy. Tuy nhiên, khi đến với lớp học của anh Thắng, mình thấy có nhiều chất liệu mới lạ hơn và màu sắc cũng rất là tươi, đó là sự khác biệt rõ ràng ở Dragon Sigma mà mình nhận thấy.

Mình thấy anh Thắng vẫn tôn trọng những giá trị truyền thống của tranh sơn mài, không phải gạt bỏ đi hoàn toàn. Đây là sự kết hợp tôn vinh truyền thống, để dòng tranh này phát triển hơn, chứ không phải là sự xóa nhòa".

Giũa: Phong sắc - Bất cứ ai cũng có thể bắt đầu với hội họa sơn mài - Ảnh 4.

Tác phẩm "Em cũng không biết nữa" của bạn Yến Linh.

Chị Mai Hương là một người hoạt động trong lĩnh vực thời trang cũng vô tình biết đến Dragon Sigma, sau một thời gian học tập chị càng thấy mình gắn bó với Dragon Sigma và đặc biệt là với sơn mài. "Rất là may mắn, khi mình biết đến những lớp học của Thắng. Thắng dạy rất có tâm, và hướng dẫn cho học viên từng bước một. Qua lớp sơn mài này, mình cảm giác là mình đã tìm được một niềm đam mê mới đó là sơn mài. Càng tìm hiểu càng thấy cuốn hút", chị Hương cho hay.

Bên cạnh triển lãm chính, chuỗi sự kiện lần này cũng bao gồm nhiều hoạt động thú vị như art tour, work shop làm tranh... Từ đây, người tham gia triển lãm "Giũa: Phong Sắc" sẽ được tiếp xúc với sơn mài bằng nhiều cách khác nhau: quan sát trưng bày tranh của những người không chuyên, nghe giới thiệu về chất liệu và kỹ thuật sơn mài, trực tiếp trải nghiệm những kỹ thuật đó.

Ngoài các tác phẩm triển lãm của các học viên, tại đây cũng trưng bày các ứng dụng sơn mài, và art toy sơn mài mang tên KEMTA. Đây là những tác phẩm được lấy cảm hứng từ những cây kem tuổi thơ và được làm từ chất liệu sơn mài truyền thống, và chất liệu mới do Dragon Sigma sáng tạo ra. Thông qua đó, họa sĩ Phạm Khắc Thắng muốn mang đến những hướng tiếp cận mới, dễ dàng hơn về sơn mài cho công chúng.

Với những sự tỉ mẩn và không giới hạn, triển lãm lần này muốn truyền đi một thông điệp, đó là "Sơn mài không cũ, và bất cứ ai cũng có thể bắt đầu với hội họa sơn mài".

Triển lãm kéo dài tới hết ngày 10/03/2024, tại MAI Gallery.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

Giũa: Phong sắc - Bất cứ ai cũng có thể bắt đầu với hội họa sơn mài - Ảnh 5.

Anh Lương Phong (Phú Quốc), khách tham quan triển lãm, cho biết, anh cảm thấy sự sáng tạo của các tác giả ở đây rất đa dạng, chủ đề cũng phong phú bởi nó đến từ nhiều tác giả khác nhau. Chính sự đa dạng này khiến cho anh cảm thấy thích thú và tò mò.

Giũa: Phong sắc - Bất cứ ai cũng có thể bắt đầu với hội họa sơn mài - Ảnh 6.

Khu trưng bày Bảng chất liệu.

Giũa: Phong sắc - Bất cứ ai cũng có thể bắt đầu với hội họa sơn mài - Ảnh 7.

Khu trưng bày dụng cụ và chất liệu.

Giũa: Phong sắc - Bất cứ ai cũng có thể bắt đầu với hội họa sơn mài - Ảnh 8.

Khách tham quan thích thú với khu vực trưng bày các chất liệu tạo nên tranh sơn mài.

Giũa: Phong sắc - Bất cứ ai cũng có thể bắt đầu với hội họa sơn mài - Ảnh 9.

Mai cua, vỏ trứng đà điểu, vỏ ốc biển... là những chất liệu ít xuất hiện trong sơn mài truyền thống nhưng nay được đưa vào khai thác và sử dụng trong các tác phẩm sơn mài ở lớp học của Dragon Sigma.

Giũa: Phong sắc - Bất cứ ai cũng có thể bắt đầu với hội họa sơn mài - Ảnh 10.

Cụm tác phẩm Art toy KEMTA.

Giũa: Phong sắc - Bất cứ ai cũng có thể bắt đầu với hội họa sơn mài - Ảnh 11.

Được lấy cảm hứng từ những cây kem tuổi thơ, art toy KEMTA được kỳ vọng sẽ mang đến những góc tiếp cận sơn mài truyền thống một cách gần gũi hơn cho công chúng.

Giũa: Phong sắc - Bất cứ ai cũng có thể bắt đầu với hội họa sơn mài - Ảnh 12.

Các tác phẩm này sẽ tiếp tục được mở rộng và phát triển hơn trong thời gian tới.

Thu Mai

Thu Mai

Bài viết "Giũa: Phong sắc" - Bất cứ ai cũng có thể bắt đầu với hội họa sơn mài được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này

No comments

Powered by Blogger.