Vũ trụ thời trang không tưởng của Alexander McQueen: Model đứng giữa "giàn thiêu", bãi rác, trại thương điên đều được tái hiện
Alexander McQueen là thương hiệu thời trang đến từ Anh Quốc được sáng lập vào năm 1992 bởi NTK Lee Alexander McQueen. Ông được giới mộ điệu biết đến với biệt danh "cậu trai bất trị" cùng với những thiết kế và các show diễn mang đậm dấu ấn cá nhân ngang tàng, có phần quái đản và cực đoan. Năm 2010, khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, Lee đột ngột qua đời ở tuổi 50 khiến cho cả thế giới không khỏi bàng hoàng và thương tiếc cho một nhân tài.
Trong suốt 21 năm sự nghiệp ngắn ngủi, Alexander McQueen đã đưa làng thời trang đến một cảnh giới mới cùng với trí tưởng tượng “điên rồ”, tôn vinh cái đẹp theo cách riêng xen lẫn những ẩn ý về thời đại, văn hoá.
"Cậu trai bất trị" Lee Alexander McQueen
Các show diễn của Alexander McQueen hầu hết đều mang màu sắc đen tối, ma mị, hỗn loạn nhưng lại vô cùng tinh tế giống như thế giới nội tâm của NTK này.
Điểm lại 10 show diễn hay nhất của thương hiệu Anh Quốc, bạn sẽ thấy tầm nhìn của Alexander McQueen dị biệt tới cỡ nào.
1. Untitled - Xuân Hè 1998
Ban đầu show diễn này được gọi là "Golden Shower" nhưng cái tên này quá nhạy cảm và gợi dục nên nhà tài trợ đã yêu cầu Alexander McQueen phải đổi tên nếu không họ sẽ rút toàn bộ tiền đầu tư của buổi diễn. McQueen đã đồng ý với yêu cầu này và đổi tên show diễn thành "Untitled" (Không đề).
Khác với một số mùa trước khi những chủ đề bao trùm lên các BST còn liên quan tới tôn giáo tiêu cực kèm theo nhiều hình tượng gợi lên sự "chết chóc" thì trong BST Xuân Hè năm 1998, NTK người Anh này đã lựa chọn bảng màu trắng, ghi, vàng cùng hoạ tiết da rắn làm chủ đạo. BST giới thiệu đến các tín đồ thời trang những trang phục bó sát, những bộ suit được may với kĩ thuật tailoring thượng thừa cùng với vài điểm nhấn nằm ở phụ kiện được mạ chrome lạ mắt.
Màn "mưa vàng" trong BST Untitled 1998
Nhưng với bản tính là một "cậu trai bất trị", McQueen đã cho người mẫu kết thúc show diễn bằng màn catwalk dưới cơn mưa và ánh đèn vàng dưới ánh đèn vàng (đúng với tên gọi cũ "Golden Shower"). Bộ sưu tập, ban đầu bắt đầu khá hiền lành ngoại trừ một vài chi tiết trần trụi, bất ngờ trở thành một cuộc diễu hành của những người mẫu nude, mặc những trang phục trắng hoàn toàn trong suốt dưới làn mưa vàng sáng lấp lánh.
Năm 2004, McQueen tái hiện lại cơn mưa năm 1998 ấy trong "Black" - một show diễn private giới thiệu các mẫu thiết kế lưu trữ
2. Joan - Thu Đông 1998
Show diễn trình làng BST Thu Đông 1998 có tên "Joan" và được lấy cảm hứng từ hình tượng nhân vật lịch sử Joan of Arc - nữ chiến binh người Pháp với lý tưởng lớn bị thiêu đến tận 3 lần.
Chủ đề về Joan of Arc được thể hiện qua những trang phục bằng kim loại gần giống với những bộ giáp, ngoài ra người mẫu được makeup với layout không lông mày cùng kiểu tóc quái dị và đeo kính áp tròng màu đỏ.
Highlight show diễn "Joan"
Kết show, McQueen làm khán giả phải wow với một mẫu thiết kế làm bằng ren đỏ che kín mặt người mẫu. Khoảnh khắc gấy bất ngờ nhất là khi model đi đến cuối sàn diễn, đứng giữa vòng tròn lửa như đang tái hiện lại chính ảnh Joan of Arc bị đưa lên giàn thiêu. Bộ trang phục màu đỏ "rực máu" kín bưng cộng với không khí u ám, đen tối cùng nhạc nền kịch tính càng khiến cho show diễn có thêm phần sinh động đến trần trụi.
3. No.13 - Xuân Hè 1999
Rất nhiều chi tiết trong buổi trình diễn thậm chí còn khá mới mẻ và chưa hề được thực hiện trong các show diễn so với những tiêu chuẩn ngày nay. Đó là cách những người mẫu đứng trên những chiếc đĩa có thể quay tự động được đặt ở 4 góc sân khấu, giống như những cô búp bê trong hộp nhạc quay tròn với bộ trang phục mềm mại bằng lụa hay những chiếc váy chất liệu kim loại lấp lánh dưới ánh đèn.
Một vài trang phục trong show diễn No.13
Màn kết show đầy kịch tính của siêu mẫu Shalom Harlow
Kết thúc show diễn, siêu mẫu Shalom Harlow diện một thiết kế màu trắng tinh và đứng trên bàn xoay giữa hai robot phun sơn. Khởi đầu là sự tương tác nhẹ nhàng giữa nữ siêu mẫu và 2 robot, sau đó nhịp độ được đẩy lên cao hơn và toàn bộ chiếc váy xoè màu trắng tinh khôi dần dần được phủ bởi lớp sơn đen – vàng từ 2 robot khi Shalom xoay tròn trên chiếc đĩa.
4. Eye - Xuân Hè 2000
"Trai quậy" Alexander McQueen một lần nữa khiến giới mộ điệu bàn tán cũng như nhận vô số ý kiến trái chiều về BST Xuân Hè 2000.
BST lấy cảm hứng từ sự bí ẩn trong đôi mắt của những người phụ nữ Đạo Hồi khi mặc bộ niquab kín bưng. McQueen trình làng những thiết kế mang âm hưởng tôn giáo nhưng lại thể hiện một cách đầy gợi dục. Ngoài ra, sự kết hợp của trang phục thể thao mạnh mẽ với những chất liệu voan lưới mỏng tang cũng là điểm người ta bàn tán.
Đây cũng là BST đầu tiên mà NTK này trình diễn tại xứ sở cờ hoa. Ông để người mẫu sải bước trên sàn runway sũng nước. Khi kết màn, từ dưới mặt nước tối đen nổi lên một bàn chông nhọn và những người mẫu mặc trang phục in hoạ tiết cờ Mỹ cùng với những bộ niquab đặc trưng được bay lơ lửng trên không trung khiến khán giả không khỏi thót tim.
5. Voss - Xuân Hè 2001
Show diễn kịch tính và huyền thoại nhất của Alexander McQueen chắc chắn chính là "Voss" năm 2001. Cảm hứng cho show diễn chính là một nhà thương điên, bệnh viện tâm thần. Người mẫu trình diễn trong một hộp kính gương 1 chiều. Chỉ bên ngoài khán giả mới có thể thấy được bên trong còn bên trong những người mẫu trình diễn không thể thấy ra bên ngoài.
BST giới thiệu những mẫu thiết kế mang cảm hứng thiên nhiên, chim chóc. Một số thiết kế trong BST này hiện đang được trưng bày trong triển lãm Sleeping Beauties: Reawakening Fashion của bảo tàng Metropolitan of Art cho sự kiện Met Gala năm nay.
BST "Voss" 2001
Một trong những điểm thành công nhất của show diễn chính là màn kết đầy kịch tính với chiếc hộp thủy tinh vỡ tan để hiện ra bên trong là nhà văn Michelle Olley đang ngả người khỏa thân trên một chiếc ghế dài, đeo mặt nạ gắn vào ống thở, bao quanh bởi những con bướm đêm còn sống.
6. What a Merry go round - Thu Đông 2001
Show diễn bắt đầu với những trang phục mang tính ứng dụng cao được diện bởi những người mẫu hàng đầu thế giới. Ngoài việc catwalk uyển chuyển, model cũng được NTK yêu cầu phải diễn và nhảy với những chiếc cột để tạo hình ảnh đối lập đầy gợi cảm, quyến rũ.
Show diễn kết thúc với khung cảnh hội chợ, đu quay ngựa u ám cùng nhạc nền creepy và dàn người mẫu được makeup, làm tóc giống như tạo hình những con hề quái dị. Đối lập với sự quái gở vã kinh hãi ấy chính là loạt trang phục mang phong cách gothic thời Victorian đầy lộng lẫy và phù phiếm.
7. It's only a game - Xuân Hè 2005
Alexander McQueen trình làng những trang phục mang cảm hứng từ nhiều nơi trên thế giới trong BST Xuân Hè 2005. Từ những chi tiết thêu và ren lưới của phong cách Edwardian, áo kimono Nhật Bản, bóng bầu dục Mỹ,...
Show diễn được chia thành 2 phần: Phần đầu giới thiệu những trang phục mang tính ứng dụng cao từ váy hè bồng bềnh, thướt tha đến blazer được may tailoring tỉ mỉ đặc trung của nhà mốt.
Phần sau của BST, Lee đã trình làng những trang phục tái cấu trúc, được thêu thùa tỉ mỉ cùng head piece ấn tượng đến từ NTK mũ nổi tiếng Philip Treacey.
Điểm nhấn chính của buổi diễn nằm ở phần kết khi đèn sân khấu chuyển tối, và sàn diễn hiện lên những ô vuông đen trắng ứng với từng vị trí đứng của mỗi người mẫu. Alexander McQueen đã tái hiện lên một trận "cờ người" mang cảm hứng từ tiểu thuyết Harry Potter và hòn đá phù thuỷ của nhà văn J.K Rowling.
8. The Horn of Plenty - Thu Đông 2009
Một phần BST "The Horn of Plenty" 2009
Sẽ không phải Alexander McQueen nếu như ông không tung ra những BST khiến cho giới mộ điệu phải tranh luận sôi nổi. The Horn of Plenty, một sàn diễn được dựng nên từ những mảnh gương vỡ. Điểm đáng chú ý của show này chính là đống rác hỗn độn được đặt ở giữa sàn diễn.
Không dùng những màn kết đầy chiêu trò, BST này gây ấn tượng với người xem bởi chính những mẫu thiết kế ấn tượng. Biến rác rưởi thành thời trang cao cấp, "The Horn of Plenty" mang cảm hứng tối tăm của cái chết, sự phân huỷ, mục rữa của xác động vật. Những chiếc váy mang tính ứng dụng cao cùng với loạt thiết kế hoạ tiết houndstooth chính là ngôi sao của BST.
Sau show diễn, Lee mắc phải nhiều ồn ào, tranh cãi vì tạo hình của những người mẫu trong show diễn này quá "ghê sợ" và có phần lố bịch này mang đến cho người ta một cảm giác rằng McQueen đang "thù ghét phụ nữ".
9. Plato's Atlantis - Xuân Hè 2010
Sàn diễn thời trang đỉnh cao của sự nghiệp Alexander McQueen và cũng là sàn diễn thời trang cuối cùng của cuộc đời ông chính là Plato's Atlantis.
Plato's Atlantis là show diễn thời trang đầu tiên được phát trực tiếp trên mạng internet
Cảm hứng cho show diễn chính là viễn cảnh trái đất nóng lên làm băng tan, cả hành tinh bị nhấn chìm trong bể nước và con người buộc phải tiến hoá để tồn tại. Cũng ở đây, các người mẫu mang đến hình tượng tiến hoá phi giới tính của loài người với mái tóc được tạo hình thành những cặp sừng và lông mày tẩy trắng.
Những thiết kế trong BST này mang cảm hứng từ loài rắn, sinh vật bò sát và những con bướm đêm. Không còn u ám và edgy như những gì mà giới mộ điệu đã thấy ở McQueen. Với BST này, ông trình làng những thiết kế có gam màu tươi sáng và trẻ trung.
Qua Plato's Atlantis, McQueen đã mang đến đôi giày Armadillo huyền thoại và đây cũng chính là kiệt tác cuối cùng của ông trước khi lìa xa cõi đời. Hai phiên bản của đôi giày này được Lady Gaga yêu thích, và xuất hiện trong MV Bad Romance của nữ nghệ sĩ.
10. Angels and Demons - Thu Đông 2010
Không khí trầm mặc và trang nghiêm chính là những gì mà người ta cảm nhận được ở show diễn giới thiệu BST Alexander McQueen Thu Đông 2010. Nhà mốt Anh Quốc lúc này đã được tiếp quản bởi Sarah Burton, người trợ lý thân cận 13 năm của NTK "gã trai bất trị".
"Angels and Demons" chỉ có vỏn vẹn 16 mẫu thiết kế. Đây chính là 16 mẫu thiết kế cuối cùng mà Alexander McQueen đã để lại cho cuộc đời.
Sarah Burton cùng các cộng sự thay mặt cho Lee Alexander McQueen để hoàn thiện nốt những mẫu trang phục này và trình làng trong show diễn thu đông 2010. Một BST còn đang dang dở nhưng cũng thừa sức gây ấn tượng với giới mộ điệu bởi những kĩ thuật thêu thùa, đính kết tinh xảo cùng kĩ thuật in 3D những bức hoạ phục hưng đỉnh cao.
Năm 2010, để tưởng nhớ cố NTK Alexander McQueen, Lady Gaga thường xuyên diện những bộ cánh do ông thiết kế. Từ trái sang: Chiếc váy nằm trong BST Angels and Demons cùng đôi giày Armadillo; bộ đồ ren đỏ nằm trong BST "Joan" 2001; thiết kế ren trắng nằm trong BST "Widow of the Culloden" 2006.
Post a Comment